Cán bộ và công tác cán bộ cóvai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng,là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căndặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bạiđều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Lãnh đạo thị xã thăm và động viên bà con nhân dân nuôi tôm ở phường Quỳnh Xuân
Làm sao nâng cao năng lực lãnh đạo, tạo đột phá trong công tác cán bộ, để mắt xích then chốt của bộ máy thật sự phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng thị xã Hoàng Mai trở thành đô thị loại III là đòi hỏi bức thiết hiện nay.
Những vấn đề thực tiễn đặt ra
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 10/2018, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong diện biên chế Nhà nước cơ quan hành chính từ thị xã đến xã, phường là 364 người. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ thị xã đến xã, phường phần lớn là cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được bố trí, sắp xếp cơ bản theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh đã được xác định; nhiều đồng chí nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc; chủ động, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, hằng năm phần lớn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Tuy nhiên, hiện nay, số cán bộ có khả năng tham mưu tổng hợp chuyên sâu còn ít; trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, một số chưa chủ động, linh hoạt trong xử lý công việc; ý thức trau dồi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức làm việc đạt kết quả thấp, nhất là công chức cấp xã, kết quả các phòng, ngành đánh giá xếp loại cán bộ, công chức cấp xã năm 2018, có 03 công chức không hoàn thành nhiệm vụ, 07 công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Có nhiều cán bộ, công chức, viên chức “3 không” ở cơ sở (không tin học, không ngoại ngữ, không chuyên viên quản lý Nhà nước), số người chưa được đào tạo quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và tương đương toàn thị xã còn cao (ở thị xã có 50 %, cấp xã, phường có 205 đồng chí= 96,3%); đặc biệt, toàn thị xã, số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tin học và có khả năng sử dụng công nghệ thông tin thành thạo đạt tỷ lệ thấp, trong đó, ở cấp xã có 46% chưa có chứng chỉ tin học; chứng chỉ ngoại ngữ cơ bản chưa có. Rà soát 134 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và phó hiệu trưởng 3 cấp học để xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 có tới 87 cán bộ, tỷ lệ 64,9% chưa học sơ cấp chính trị, chưa có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ,... đây là những thách thức, ảnh hướng lớn đến công tác quản lý nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Năm 2018, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thị xã mới chỉ đạt 58%. Ở không ít địa phương, trong nhiều vụ việc cụ thể cho thấy năng lực lãnh đạo của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu năng động, chủ động giải quyết công việc; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ở thị xã và xã, phường làm việc riêng trong giờ hành chính; đùn đẩy, né tránh việc khó; biểu hiện cấu kết, lợi ích nhóm gây khó khăn, nhũng nhiễu nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính để trục lợi.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, vẫn còn biểu hiện của tình trạng đánh giá cảm tính, hình thức, thậm chí dễ dãi, bao che hoặc định kiến, hẹp hòi. Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông, thiếu tầm nhìn bao quát giữa các cấp, các ngành, các địa phương, các lĩnh vực, còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên về công tác cán bộ chưa thật đúng đắn, sâu sắc, toàn diện. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức. Một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới. Chính sách cán bộ còn bất cập, chưa phát huy hết năng lực, trách nhiệm của cán bộ. Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc chính xác, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khỏe.
Thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm. Chưa phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Chưa quan tâm đúng mức xây dựng đội ngũ làm công tác cán bộ...
Đòi hỏi đổi mới cấp thiết, hướng đến tính chuyên sâu, hiệu quả
Thực tiễn đang đòi hỏi cần tạo đột phá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển của thị xã. Vì vậy, trong thời gian tới công tác cán bộ phải thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Năm 2019, là năm tập trung cho công tác cải cách thủ tục hành chính. Việc cần làm ngay, đó là đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn thị xã trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III. Các cấp ủy, chính quyền cần tập trung rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã, phường để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Trong đó, chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm và xây dựng chính quyền điện tử.
Quan tâm nâng cao chất lượng trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; việc đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan, tạo đoàn kết, nhất trí cao trong tổ chức. Việc đánh giá phải chú trọng về phẩm chất chính trị và năng lực thực tiễn; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo chính để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ một cách cụ thể, khoa học, chính xác. Coi trọng việc dựa vào tập thể và quần chúng nhân dân, đồng thời đặt cán bộ trong môi trường, điều kiện hoàn cảnh cụ thể, trong mối quan hệ giữa tổ chức, cơ chế chính sách và cá nhân cán bộ để đánh giá. Khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ một cách chung chung, cảm tính, chủ quan, lẫn lộn giữa điều kiện với tiêu chuẩn, coi bằng cấp, học vị cao hơn phẩm chất, năng lực. Kết quả đánh giá cán bộ, công chức là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng gắn với việc thực hiện nghiêm và hiệu quả các chương trình, đề án theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Bên cạnh đó, điều cần quan tâm đó là người đứng đầu mỗi địa phương, đơn vị cần sâu sát thực tế, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, tìm hướng giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc. Cấp ủy, chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất, sát dân nhất nên càng đòi hỏi người đứng đầu, cụ thể là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, phường, trong phạm vi quyền hạn của mình, cần phải cụ thể hóa những yêu cầu, nhiệm vụ của cấp trên, gắn với thực tiễn địa phương để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với trách nhiệm của cá nhân, tập thể. Định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời nỗ lực giải quyết rốt ráo những vướng mắc, vấn đề tại địa phương, tránh ùn tắc đơn thư, kiến nghị, hạn chế tối đa việc người dân phải khiếu kiện vượt cấp… Việc lắng nghe người dân và hiểu rõ địa bàn sẽ không ai làm tốt hơn cán bộ chính quyền, đoàn thể ở đó. Vì thế, cán bộ cấp xã, phường phải tích cực tương tác với dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân để làm tốt vai trò cầu nối giữa cơ sở và các cấp, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước vào cuộc sống một cách hiệu quả...
Đàm Hữu Hồng
Phó Bí thư thường trực Thị ủy