Quỳnh Liên là một xã nằm ở khu vực bãi ngang được thiên nhiên ưu đãi là vùng đất cát, cát pha là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là trồng các loại rau màu. Đây là địa phương sản xuất rau màu tập trung lớn nhất trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai. Để các sản phẩm rau màu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng chính quyền địa phương, Hội nông dân cùng bà con nông dân nơi đây đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Vietgap nâng cao giá trị sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thương lái thu mua rau màu tại ruộng cho người dân
Su su là loại cây được bà con nông dân xã Quỳnh Liên lựa chọn đưa vào sản xuất với quy mô diện tích lớn, bởi su su dễ trồng, dễ chăm sóc năng suất rất cao, cho thu hoạch từ 4-5 tháng. Hàng năm bà con trồng từ 80 - 100 ha su su, sản lượng đạt từ 15.000 - 18.000 tấn quả. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình nông dân với số tiền từ 400-500 triệu/ha. Năm 2019 sản phẩm quả su su Quỳnh Liên đã được chi cục quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản trực thuộc sở Nông nghiệp trao giấy chứng nhận mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Để sản phẩm su su đến tay người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân nâng cao sản phẩm Năm 2023, xã Quỳnh Liên đã xây dựng kế hoạch đăng ký sản phẩm quả su su đạt tiêu chuẩn thương hiệu OCOP. Hiện nay su su đã có mặt trên thị trường khắp các tỉnh thành phố trong cả nước, trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng rau sạch.
Ngoài cây su su, cà rốt cũng là một thế mạnh của xã Quỳnh Liên, với diện tích gieo trông hàng năm là hơn 70 ha. Năng suất đạt 30 tấn/ha, củ to, đều đẹp, ít bị sâu bệnh và rất dễ bán với giá thu mua tại ruộng từ 7-10.000 đồng/kg. Chi phí mỗi sào cà rốt khoảng 50 triệu đồng, trồng cà rốt tuy phải bỏ nhiều công sức chăm sóc nhưng nông dân có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn, cao gấp 2-3 lần trồng các loại rau màu khác. Do vậy cà rốt ngày càng được sản xuất theo quy mô lớn, bên cạnh đó lá và thân cây cà rốt còn được bà còn tận dụng vào chăn nuôi dê, hươu, lợn.
Người dân Quỳnh Liên thu hoạch cà rốt vụ đông, cho thu nhập 90 triệu đồng/ha chỉ sau 2 tháng gieo trồng.
Hiện nay trên địa bàn xã Quỳnh Liên có hơn 350 ha chuyên canh trồng rau màu các loại trong đó rau màu như: su su, cà rốt, hành hoa, rau cải ngọt, các loại bầu, bí, dưa, cà, ... Các loại rau màu được bà con nông dân sản xuất gối vụ quanh năm, mỗi mùa có một số rau màu chủ lực, trong đó vụ Đông – Xuân sản xuât chủ yếu là su su, cà dừa, mướp đắng, cà rốt,.., đối với mùa xuân - hè sản xuất các loại rau như: cải ngọt, đậu, dưa leo, mướp hương, mướp lào, dưa lê, dưa hấu; mùa thu là hành hoa, cả ngọt, cải cục,. .. Hàng ngày bà con nông dân xã Quỳnh Liên cung cấp ra thị trường 50-60 tấn rau củ quả các loại đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ cho người dân và các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu đạt trên 70 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An thăm mô hình sản xuất cây Su su của người dân xã Quỳnh Liên
Để giúp cho bà con nông dân đảm bảo nguồn cung ứng về vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống phân bón phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm, trên địa bàn xã Quỳnh Liên đã thành lập 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bao tiêu sản phẩm và các đại lý tiêu thụ rau củ quả cho người dân. Bên cạnh đó được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp, các ngành đoàn thể tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, nhất là triển khai rộng rãi quy trình sản xuất rau sạch theo mô hình VietGap vào sản xuất để cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Trong đó Hội Nông dân đã phối hợp với Hội phụ nữ, trạm khuyến nông, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Quỳnh Liên xây dựng thương hiệu, dán nhãn hiệu các loại rau sạch như su su, rau cải bó xôi, mướp đắng và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, xã Quỳnh Liên sẽ tiếp tục chú trọng mở rộng diện tích các loại rau màu có thế mạnh của địa phương như cà rốt, su su và một số loại rau màu khác vào sản xuất nhằm từng bước đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá nâng cao giá trị sản phẩm giúp góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần sớm đưa xã Quỳnh Liên trở thành xã Nông thôn mới Nâng cao./.
Bích Hường