Nuôi Bồ Câu Titan - Mô hình hiệu quả từ đam mê của anh Bùi Văn Dương
Nuôi chim bồ câu thương phẩm không phải là mô hình
mới, bởi những năm trước, mô hình này đã được nhiều người lựa chọn và xem đây
là hướng đi chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do thị trường
đầu ra bấp bênh, lợi nhuận không quá cao, theo thời gian không ít người đã bỏ
cuộc giữa chừng để tìm hướng đi mới. Thế nhưng với niềm đam mê khởi nghiệp trên
mảnh đất quê hương, anh Bùi Văn Dương, thôn 10, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai
kiên trì theo đuổi và thành công, mang lại hiệu quả với thu nhập ổn định trên
10 triệu đồng/tháng.
Chim bồ câu Titan Thái Lan- nổi bật với khả năng sinh sản tốt và phát triển nhanh.
Sinh ra và lớn lên tại
vùng nông thôn khó khăn, đất đai bạc màu khó canh tác nên trước đây anh chủ yếu
làm ruộng và chăn nuôi bò, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần
tham khảo các nguồn thông tin trên mạng internet, cũng phải mất hơn 3 năm anh
Dương mới tìm ra được
hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, đó là nuôi chim bồ câu thương
phẩm. Giống chim mà anh lựa chọn là bồ câu Titan- một giống chim có nguồn gốc từ Thái Lan, nổi bật với
khả năng sinh sản tốt và phát triển nhanh.
Anh
Dương chia sẻ, ngày đầu cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, đầu ra
sản phẩm chưa ổn định khiến anh đã có lúc nản lòng. Anh tự động viên bản thân
“có chí thì nên” rồi kiên trì với con đường mình đã chọn. Tích cực học hỏi,
tích lũy kinh nghiệm, mô hình của anh dần ổn định. Để chim phát triển tốt, điều
quan trọng là phải có chuồng trại phù hợp. Chuồng nuôi phải khô ráo, thoáng
mát, tránh phiền nhiễu từ mèo, chuột... Anh
Dương đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại và phòng bệnh cho đàn chim, thường xuyên khử trùng và theo dõi sát sao các biểu hiện bất thường
để kịp thời xử lý. Nhờ đó, đàn chim luôn khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp, hiệu
quả kinh tế ngày càng rõ nét. Chim được nuôi chủ yếu bằng là ngũ
cốc tự nhiên, cám, gạo, ngô, đậu, những loại thức ăn phổ thông, dễ kiếm,
góp phần hạ giá thành chăn nuôi mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Thức ăn của chim bồ câu chủ yếu là ngũ cốc tự nhiên, cám, gạo, ngô, đậu..
Hiện tại, anh
Dương đang chăm sóc và phát triển đàn chim với quy mô lên tới 400 cặp bồ câu Titan.
Giống bồ câu Titan có khả năng sinh sản rất đều
và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2
trứng. Sau 10-15 ngày, chim mái sẽ sinh sản lứa tiếp theo. Mỗi năm một cặp có thể đẻ trên 25 lứa, trọng lượng chim ra
ràng đạt 530-600 gam/con. Để chủ động nguồn giống, anh Dương mua tủ ấp và học
cách điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Trung bình mỗi tháng, đàn
chim của anh sinh sản khoảng 750 quả trứng, trong đó tỷ
lệ ấp nở đạt tới 80%, một con số
ấn tượng đối với mô hình nuôi bán công nghiệp hiện nay. Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện
khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.
Mỗi quả trứng đem vào lò ấp đều được anh Dương ghi ngày cẩn
thận để tiện theo dõi
Chia sẻ về kỹ
thuật chăm sóc, anh Dương cho biết thêm: “Chim sau khi nở khoảng 25 ngày là có
thể xuất bán làm chim thịt, còn nếu để làm giống thì sau khoảng 2 tháng là đạt
chuẩn.” Hiện tại, giá bán chim giống vào
khoảng 300.000 đồng/cặp, mang
lại nguồn thu ổn định và khá cao cho gia đình anh.
Giá chim
giống hiện tại khoảng 300.000 đồng/cặp
Không chỉ dừng lại
ở mô hình chăn nuôi gia đình, anh Dương còn có mong muốn mở rộng quy mô, chia
sẻ kinh nghiệm cho bà con trong vùng để cùng nhau phát triển. “Nếu có đầu ra ổn
định, mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng để giúp nhiều hộ dân cải thiện thu
nhập,” anh nói thêm.
Trứng bồ câu Titan sau khi ấp 17-18 ngày sẽ nở
Nhận xét về mô
hình kinh tế mới mẻ này, ông Nguyễn Yên Dũng- Chủ tịch Hội nông dân xã Quỳnh
Trang cho biết thêm: “Mặc dù chỉ mới đi vào chăn nuôi hơn 2 năm nay nhưng mô
hình nuôi bồ câu Titan thương phẩm bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế khá
cao. Hội sẽ nghiên cứu để khuyến khích bà con học tập, nhân rộng mô hình, đồng
thời tìm hướng cho đầu ra của sản phẩm để giúp bà con yên tâm chăn nuôi”.
Mô hình nuôi chim
bồ câu Titan của anh Vùi Văn Dương là một minh chứng sinh động cho tinh thần
dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông thôn. Đây cũng là gợi
ý thiết thực cho những ai đang tìm kiếm hướng đi mới trong lĩnh vực chăn nuôi.