Cứ mỗi độ tháng 5 về, cả
dân tộc Việt Nam lại bâng khuâng, tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Người đã dành cả cuộc đời
cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh tất cả vì nước, vì dân với mục tiêu cao cả là
đất nước được độc lập, tự do, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Tàu L’Admiral Latouche Tresvill đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, ngày 5-6-1911
Tại quê hương Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An),
vào năm 1890 cậu bé Nguyễn Sinh Cung - con trai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã
chào đời. Lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu ách nô lệ của thực dân Pháp,
chàng trai Nguyễn Sinh Cung đã sớm nuôi khát vọng đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem
lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất
Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng
Nhân dân ta khỏi ách nô lệ.
"Từ
làng Ѕen có một người trai chí lớn
Mang
lý tưởng cách mạng giải phóng quê hương
Ra đi
tìm khắp muôn phương, đường đi cho cả dân tộc"
Từ Bến cảng Nhà Rồng, với đôi bàn tay và ý chí
mãnh liệt, Nguyễn Tất Thành đã ra đi trong vai trò của một người lao động.
Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên ấy đã vượt
qua những đại dương, châu lục và nhiều quốc gia... chỉ với duy nhất một khát vọng
bỏng cháy: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những
điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngôi nhà của gia đình tại Làng Sen năm 1961. Ảnh tư liệu Khu Di tích Kim Liên
Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm
cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước
theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu
đó. Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối
cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu Nước đúng đắn, thiếu một tổ chức
lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến
với chủ nghĩa Mác – Lênin. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho
Nguyễn Ái Quốc. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng
cách mệnh”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc
thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống
chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ
trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường
cộng sản.
“Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông
Luận cương đến
Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”
Mùa Xuân năm 1930, sau 30 năm theo Chỉ thị của
Quốc tế cộng sản, người đã chủ trì hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở
Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với việc thành lập Đảng cùng với
sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã
đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu
tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc mình kết thúc bằng cuộc tổng
tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã
giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước được thống nhất. Từ đây toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tháng 12-1920, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lê-Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Trong những ngày tháng
5 này, với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ
đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta thành
một Đảng kiên cường, trong sạch, vững mạnh.
Cùng với sự đi lên của
cả nước, của tỉnh Nghệ An, thị xã Hoàng Mai cũng đang từng ngày đổi mới, phát
triển trên các lĩnh vực. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế
hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời
sống của Nhân dân”. Thực hiện lời căn
dặn đó, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hoàng Mai không ngừng nâng cao bản lĩnh
chính trị, kiên định với lý tưởng cộng sản, bám sát thực tiễn, đề cao tinh thần
trách nhiệm, đoàn kết, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, đưa
Hoàng Mai ngày càng phát triển.
Biển Quỳnh Phương đang trở thành địa điểm du lịch hút khách
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, Hoàng
Mai đã giữ vững ổn định chính trị, công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính
quyền đạt nhiều thành tựu quan trọng, hệ thống chính trị được củng cố vững
chắc. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến quan
trọng trong nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ,
đảng viên và Nhân dân; ý chí vượt khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính
trị, chăm lo đời sống Nhân dân tốt
hơn.
Hiện nay toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân thị xã, với lòng thành kính nhớ ơn
Bác vô hạn và niềm tự hào vĩ đại về Đảng ta, quyết tâm thực hiện tốt việc học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng phấn đấu
học tập, lao động sáng tạo để xây dựng thị xã Hoàng Mai ngày càng giàu đẹp, văn
minh, cùng với tỉnh Nghệ An và cả nước vững bước đi lên xã hội chủ nghĩa.
Hướng
tới chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thị xã Hoàng
Mai đã và đang phát động phong trào về nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công lao và
cống hiến vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua, con người, sự
nghiệp và sự hiến dâng của Bác Hồ cho cách mạng, cho dân tộc đã “hóa thân” vào
hồn sông núi, sống mãi trong lòng Nhân dân./.