image banner
Trăn trở để giữ nghề sửa chữa tàu thuyền truyền thống

Quỳnh Phương là một phường thuộc thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), có thế mạnh phát triển ngành nghề khai thác, chế biến thủy sản. Ngư dân với con tàu đánh cá được coi như những “cột mốc sống” chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc. Để những con tàu đánh cá trên biển và ngư dân thực sự là “cột mốc” cứng rắn, vững mạnh đủ sức chống chọi với sóng to, gió lớn, có một phần đóng góp thầm lặng không nhỏ của những người thợ sửa chữa tàu thuyền ở miền biển nắng gió này.

Anh-tin-bai

  Những người thợ miệt mài sửa chữa, cải hoán, nâng cấp tàu cũ thành tàu mới 

Theo các cụ cao niên trong phường, từ thuở xa xưa, làng biển này đã có nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền truyền thống, có 2 HTX là Phương Thành và Phương Thịnh. Tuy nhiên theo thời gian, cùng với sự thay đổi về cơ chế chính sách, đặc biệt là giai đoạn nhiều tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67, nghề đóng tàu vỏ gỗ truyền thống của phường mai một dần, gần như không còn đóng mới tàu cá mà chuyển sang sửa chữa, cải hoán. 2 HTX cũng giải thể, trên địa bàn chỉ còn lại các cơ sở sửa chữa nhỏ.

Anh-tin-bai

   Họ đều là những người thợ lành nghề có thâm niên trên 10 năm

Một ngày nắng ấm đầu tuần, có dịp về khối Hồng Hải, phường Quỳnh Phương, chúng tôi ghé thăm cơ sở sửa chữa tàu thuyền Khánh Thành của gia đình anh Phan Văn Thành. Từ xa đã nghe văng vẳng âm thanh của những nhát đục đẽo phát ra từ phía những người thợ mộc đang miệt mài bên những chiếc tàu gỗ. Đa số tàu đều có chiều dài 15m trở lên. Tâm sự về nghề với những trăn trở, anh Thành cho biết: nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ đã gắn bó từ thời ông nội anh để lại. Để làm ra một chiếc tàu cá mới đòi hỏi mất rất nhiều công đoạn.  Gỗ dùng để đóng tàu thuộc nhóm 2 có giá trị cao như kiền kiền, sến, sao, lim... Giá các loại này hiện rất đắt và khó mua, mặt khác thủ tục để đóng mới tàu cá cũng rất khó khiến nhiều ngư dân lẫn doanh nghiệp đóng tàu loại này gặp nhiều khó khăn. Nhiều người đã bỏ đóng tàu thuyền, chỉ làm nghề mộc. Mặt khác, nghề biển không phải lúc nào cũng thuận lợi mà phụ thuộc nhiều vào giá dầu, giá bán hải sản nên ngư dân cũng không có sẵn tiền để đóng mới tàu cá lớn lên đến hàng chục tỉ đồng. Vì vậy, để duy trì nghề truyền thống của cha ông, cũng đồng thời giúp bà con ngư dân có điều kiện mua tàu vươn khơi bám biển, gia đình anh đã quyết định thu mua các tàu vỏ gỗ cũ, cải hoán, sửa chữa nâng cấp từ 400- 500 CV lên 700-900 CV.

Anh-tin-bai

  Anh Phan Văn Thành tiếp nối nghề truyền thống của cha ông để vừa phát triển kinh tế, vừa tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển

Hiện cơ sở của gia đình anh Thành có trên 10 lao động thường xuyên, là những thợ đóng tàu lành nghề có thâm niên trên dưới 20 năm. Ông Lê Văn Hoa- một thợ đóng tàu lâu năm cho biết: Sửa chữa cũng giống như đóng mới “lột xác” cho con tàu, phải là những người có tâm với nghề, chịu khó học hỏi mới làm tốt được. Nếu người học không chịu khó tỉ mẩn, quan sát, học hỏi thì khó có thể làm ra những con thuyền có chất lượng được.

Anh-tin-bai

  Những chiếc tàu cũ sau khi được nâng cấp đã đủ điều kiện vươn khơi khai thác ở các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Tàu cũ sau khi mua về sẽ được thuê thiết kế bản vẽ, xin cấp phép sửa chữa, cải hoán theo đúng quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Máy móc, thiết bị hành trình cũng được lắp đặt theo đúng quy chuẩn hiện đại. Gỗ được sử dụng chủ yếu là loại táu mật, đáp ứng độ bền trên 10 năm khi khai thác vùng biển xa. Tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Phương cũng khai thác đa dạng với các loại lưới rê, lưới bao. So với việc đóng mới tàu cá phải mất từ 7-10 tỉ đồng thì việc mua lại tàu cũ đã nâng cấp sẽ có giá khoảng 1,7 tỉ đồng, giúp ngư dân tiết kiệm được chi phí, nhanh hoàn vốn. Riêng năm 2023, cơ sở của gia đình anh Thành bán được 10 tàu công suất lớn cho các địa phương Thanh Hóa, Nam Định. Ngoài ra, nhiều tàu thuyền lớn nhỏ của địa phương sau những chuyến biển trở về đều ghé để sửa chữa, thay thế những bộ phận hư hỏng để đảm bảo cho các chuyến hành trình.

Anh-tin-bai

   Cơ sở của gia đình anh Thành tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 10- 15 triệu đồng/người/tháng

Phường Quỳnh Phương hiện là địa phương có đội ngũ tàu thuyền tham gia sản xuất trên Biển đông nhất tỉnh Nghệ An với gần 730 phương tiện, trong đó có trên 600 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, chuyên khai thác các vùng biển xa. Nghề sửa chữa tàu thuyền cũng vì vậy có việc làm thường xuyên, riêng ở cơ sở gia đình anh Thành, bình quân lao động đạt thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, nhu cầu đóng và sửa chữa tàu thuyền rất lớn, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với những người làm nghề là chưa có quy hoạch địa điểm sản xuất quy củ. Các chủ cơ sở đóng thuyền ở làng nghề mong muốn chính quyền địa phương quy hoạch khu vực bến bãi, địa điểm đóng thuyền rộng rãi để đáp ứng nhu cầu sản xuất, góp phần phát triển và giữ gìn nghề đóng thuyền truyền thống.

Thanh Thủy
THÔNG BÁO
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
Đăng nhập
mage banner
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ HOÀNG MAI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Anh Văn, UVBTV - Phó Chủ tịch UBND
Trụ sở: Khối Sỹ Tân - Phường Quỳnh Dị - Thị xã Hoàng Mai
Điện thoại: 02383.666.456. Fax: 0383.666.456