image banner
Thị xã Hoàng Mai: Phát huy thế mạnh vùng kinh tế đặc thù của tỉnh Nghệ An

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ sự biến động kinh tế trong và ngoài nước, nhưng dưới sự quan tâm của Tỉnh với việc ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thị xã Hoàng Mai phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 -2025, thị xã Hoàng Mai vẫn vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động và thu hút đầu tư hàng đầu của tỉnh Nghệ An. Năm 2024, Hoàng Mai tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế khu vực.

Anh-tin-bai

Một góc phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai

Quê hương đang từng ngày đổi mới

Về với Hoàng Mai hôm nay, chắc hẳn nhiều người con xa quê không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương. Sau hơn 10 năm thành lập, thị xã Hoàng Mai đang từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng của tỉnh. Diện mạo đô thị dần hình thành theo hướng văn minh, hiện đại; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Năm 2024, nền kinh tế địa phương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định với quy mô sản xuất đạt 37.189 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,6%, đưa giá trị gia tăng bình quân đầu người lên 84 triệu đồng/năm, tăng 9 triệu đồng so với năm 2023.

Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giữ vai trò mũi nhọn với giá trị sản xuất ước đạt 15.632 tỷ đồng, tăng 24%. Những sản phẩm chủ lực như xi măng, tôn mạ và thép tiếp tục đóng góp lớn, trong khi các nhà máy mới tại KCN Hoàng Mai I đã bổ sung thêm giá trị đáng kể.

Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như sản xuất tinh bột nghệ, miến gạo, chế biến thủy sản hay sửa chữa tàu cá không chỉ duy trì hiệu quả mà còn mở rộng xuất khẩu, trong đó sản phẩm của Công ty Biển Quỳnh đã chính thức thâm nhập thị trường Mỹ.

Anh-tin-bai

Sản phẩm miến gạo đạt chuẩn OCOP 3 sao của phường Quỳnh Xuân

Lĩnh vực xây dựng cũng có bước tiến vững chắc, với giá trị đạt 4.390 tỷ đồng, tăng gần 20%. Hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia và địa phương đã được đẩy mạnh triển khai, góp phần gia tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên 90,57% tính đến cuối tháng 10/2024.

Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thị xã tập trung phát triển sản xuất bền vững và xây dựng các sản phẩm OCOP. Hiện tại, Hoàng Mai có 41 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, dự kiến tăng thêm 2-3 sản phẩm vào cuối năm. Xã Quỳnh Liên đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong khi xã Quỳnh Lộc đang được tập trung hỗ trợ để về đích trong năm nay.

Hoạt động dịch vụ - thương mại và du lịch cũng tăng trưởng tích cực, với doanh thu đạt 2.321 tỷ đồng, tăng 16,7%. Đặc biệt, lượng khách du lịch đến thị xã ước đạt 92.000 lượt, tăng 1,45 lần so với cùng kỳ năm trước, mang lại doanh thu khoảng 260 tỷ đồng.

Anh-tin-bai

Bãi tắm Quỳnh Phương thu hút nhiều du khách

Bừng sáng với những dự án lớn

Năm 2024 được xem là một năm thị xã Hoàng Mai thực sự bừng sáng với việc thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn. Hoàng Mai có lợi thế giáp với Thị xã Nghi Sơn của Tỉnh Thanh Hóa, nơi có cảng nước sâu, lại có các tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 48D và cao tốc Bắc-Nam đi qua nên giao thông rất thuận tiện. Phát huy lợi thế đó, thị xã đã không ngừng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Anh-tin-bai

Vòng xuyến cao tốc Bắc- Nam đoạn qua xã Quỳnh Vinh

Toàn thị xã hiện có 3 KCN và 1 cụm công nghiệp, bao gồm KCN HM1 với tổng diện tích 264,77 ha tại phường Quỳnh Thiện và xã Quỳnh Lộc, có tổng mức đầu tư 740 tỉ đồng, KCN HM 2 với tổng diện tích 334,79 ha tại xã Quỳnh Vinh có mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, KCN Đông Hồi và Cụm Công nghiệp tại xã Quỳnh Lộc với diện tích hơn 50 ha.

Đến nay, Dự án KCN Hoàng Mai I đã hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng xây dựng và đã có tỷ lệ lấp đầy 86%, trong đó 02 dự án FDI tại KCN Hoàng Mai 1 đã đi vào hoạt động (của Tập đoàn Hoa Lợi và Tập đoàn JuTeng); 01 dự án Nhà máy Sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại KCN Hoàng Mai I (30 ha, tổng vốn đầu tư 440 triệu USD) của Tập đoàn Runergy đã dự kiến trong tháng 12 sẽ đi vào sản xuất.

KCN Hoàng Mai II tập trung thu hút các dự án trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các dự án thân thiện với môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo… Năm 2024, thị xã đã thu hút và đang triển khai công tác giao đất để thực hiện thêm 01 dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 450 triệu USD được kí biên bản ghi nhớ đầu tư vào KCN HM 2. Hiện tại KCN Hoàng Mai II đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài tới từ các quốc gia Trung Quốc, Anh, Ấn Độ… như Tập đoàn Thiên Năng, Tập đoàn Runergy… Trong đó, Tập đoàn Thiên Năng đã ký kết thỏa thuận thuê lại đất và đang làm thủ tục để thực hiện dự án đầu tư với số vốn dự kiến khoảng 200 triệu USD cho toàn bộ dự án.

Anh-tin-bai

Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 tại xã Quỳnh Vinh

Đặc biệt, Nghệ An vừa công bố thông tin Dự án nhiệt điện khí LNG hơn 2 tỷ USD tại Quỳnh Lập. Dự án được thực hiện tại thôn Đồng Minh và thôn Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, với tổng mức đầu tư khoảng 2,15 tỷ USD và quy mô đầu tư xây dựng dự án bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ.

Tổng diện tích của dự án khoảng 210 -360 ha, nhu cầu nhiên liệu khí LNG của dự án khoảng 1,15 triệu tấn/năm và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT.

Thị xã Hoàng Mai cũng đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư hạ tầng đầu tư tại Cụm Công nghiệp tại xã Quỳnh Lộc để phục vụ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong nước. Những điều kiện này đã giúp Hoàng Mai trở thành điểm sáng, là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Anh-tin-bai

Sản xuất tại Công ty CP Vinatext Hoàng Mai

Việc nhiều doanh nghiệp lớn- những cánh chim đại bàng đã hạ cánh xuống vùng đất Hoàng Mai đã bước đầu tạo nên nhiều tín hiệu vui, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy cho các doanh nghiệp địa phương cùng phát triển lớn mạnh. Hội Doanh nghiệp Hoàng Mai hiện có gần 700 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 320 doanh nghiệp hoạt động và kê khai thuế. Chỉ tính riêng năm 2024 có 51 Doanh nghiệp mới thành lập, tổng số thuế nộp tăng 7,5% so với năm 2023. Hộ kinh doanh cá thể tăng 4,2%, số thuế nộp tăng 30%. Sự phát triển song song của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân sẽ góp phần nâng cao cơ chế hợp tác kinh doanh, cải thiện năng lực sản xuất của các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng với kinh tế quốc tế.

Đi xa càng hướng về quê hương

Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 40 - 45 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (thành phố Vinh mở rộng), 2 đô thị loại III (thành phố Hoàng Mai và thành phố Thái Hòa), 2 đô thị loại IV/III (thị xã Diễn Châu và thị xã Đô Lương), 15 thị trấn huyện lỵ và 20 - 25 thị trấn tiểu vùng thuộc huyện.

Anh-tin-bai

 

Quy hoạch phân khu của thị xã Hoàng Mai

Theo quy hoạch chung đến năm 2045, Hoàng Mai được chia thành ba phân khu chức năng:

1. Khu phát triển đô thị và du lịch biển: Bao gồm các xã/phường Quỳnh Liên, Mai Hùng, Quỳnh Phương và Quỳnh Xuân và một phần các xã/phường Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện, Quỳnh Vinh và Quỳnh Trang; tổng diện tích khoảng 5.407,39 ha, định hướng trở thành trung tâm hành chính, kinh tế và du lịch biển, du lịch văn hóa, tâm linh.

2. Khu công nghiệp và logistics: bao gồm các xã/phường Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc và một phần các xã/phường Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị và Quỳnh Vinh; tổng diện tích khoảng 9.264,02 ha, quy mô dân số khoảng 64.500 người. Tính chất phát triển công nghiệp gắn với cảng biển Đông Hồi và các tuyến giao thông chiến lược.

3. Khu nông nghiệp - sinh thái: Phạm vi, quy mô bao gồm một phần các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, tổng diện tích 2.506,96 ha, quy mô dân số khoảng 17.700 người. Là khu vực phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan rừng, hồ đập Vực Mấu.

Anh-tin-bai

Quy hoạch cảnh quan Hồ Vực Mấu

Với rất nhiều sự khởi sắc và tiềm năng phát triển, thị xã Hoàng Mai đang hướng đến hoàn thành tiêu chí đô thị loại III và trở thành Thành phố vào năm 2030. Đây được xem là tiền đề quan trọng tạo nên sức bật để thị xã Hoàng Mai phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, dù Tỉnh Nghệ An đã ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho thị xã Hoàng Mai nhưng để thị xã phát triển đúng với sự kì vọng là một hành trình đầy khó khăn và thách thức. Trong chặng đường phát triển của thị xã, sự đóng góp của những người con xa quê của Quỳnh Lưu, Hoàng Mai là nguồn lực không thể thiếu. Chính vì vậy, Cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã đặt niềm tin vào những người con xa quê bằng những hiểu biết, tình yêu quê hương và tinh thần trách nhiệm, sẽ có những sự quan tâm đầu tư về quê hương. Đây là xu thế tất yếu, thị xã mong muốn huy động nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực vực tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Thứ nhất là lĩnh vực sản xuất có tính kết nối, trong đó chú trọng đến chế biến hải sản bởi đây là một trong những thế mạnh của thị xã. Sản lượng khai thác năm 2024 ước đạt 62.693 tấn/KH 62.580 tấn, đạt 100,1%KH.

Anh-tin-bai

Khai thác hải sản cũng là một trong những thế mạnh của thị xã

Thứ hai là tại khu hành chính mới, thị xã mong muốn các nhà đầu tư quan tâm triển khai xây dựng hạ tầng xã hội, các trường dạy nghề, trường học, khu dân cư, khu đô thị nhằm tạo cho khu hành chính mới của thị xã có hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu về phát triển thành đô thị.

Thứ ba là đầu tư các Trung tâm thương mại, đa dạng hóa các dịch vụ gắn với du lịch biển, du lịch sinh thái. Cùng với đó là ưu tiên phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thu hút nhiều lao động và thân thiện với môi trường; du lịch sinh thái trải nghiệm… với định hướng phát triển thị xã Hoàng Mai trở thành một đô thị công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông - lâm - ngư nghiệp; hướng tới xây dựng một đô thị phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp và văn minh.

Để tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư, Hoàng Mai sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch… Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư và phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Anh-tin-bai

Khu hành chính của thị xã

Quê hương, hai tiếng thân thương - không chỉ là nơi để nhớ, để thương, mà còn là nơi để những người xa quê cùng hướng về. Để thị xã Hoàng Mai ngày càng phát triển, xứng tầm là trọng điểm kinh tế của tỉnh, chính quyền thị xã mong muốn nhận được sự quan tâm, chung sức đồng lòng của những người con Hoàng Mai xa quê quan tâm đầu tư ở những lĩnh vực trọng điểm. 

Thanh Thủy
THÔNG BÁO
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
Đăng nhập
mage banner
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ HOÀNG MAI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Anh Văn, UVBTV - Phó Chủ tịch UBND
Trụ sở: Khối Sỹ Tân - Phường Quỳnh Dị - Thị xã Hoàng Mai
Điện thoại: 02383.666.456. Fax: 0383.666.456