Nhờ mạnh dạn
chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình chị Lê Thị Chung, thôn 7 xã
Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai đã khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi chồn mốc (cầy
vòi mốc) tại nhà, thu nhập ổn định mỗi tháng hơn 10 triệu đồng và tạo động lực
cho nhiều hộ dân tại địa phương.
Mô
hình nuôi chồn của chị Lê Thị Nhung, thôn 7 xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai
mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Mạnh dạn chuyển đổi vật
nuôi
Cũng như bao hộ nông dân trong vùng, trước
đây gia đình chị Chung chủ yếu làm ruộng và nuôi gà, lợn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh
tế không cao nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong một dịp lên nhà
người quen ở tỉnh Bắc Giang chơi, anh Trần Văn Thắng- chồng chị Chung tham quan
mô hình nuôi chồn mốc của người dân địa phương và nhận thấy loài vật này đang được thị trường ưa chuộng lại ít
bệnh, dễ nuôi, dễ chăm nên đã mạnh dạn về quê đầu tư xây dựng mô hình.
Chuồng nuôi phải luôn đảm bảo sạch sẽ,
thoáng mát
Theo quy định tại Nghị định số
06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp,
quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật
hoang dã nguy cấp thì Chồn thuộc danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng
chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý
chặt chẽ. Chính vì vậy khi bắt tay vào nuôi chồn, gia đình anh chị đã đăng ký
giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương.
Mỗi con chồn trường thành có trọng lượng
trung bình 6-7kg/con
Đầu năm 2023,
gia đình chị Chung vay mượn vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín và mua
40 con chồn mốc để làm giống. Nhờ chăm chỉ nghiên
cứu, tìm hiểu kiến thức trên internet, học kỹ thuật chăm sóc từ những người
cung ấp con giống nên đàn chồn của gia đình chị Chung đã phát triển khỏe mạnh
và sinh sản tốt.
Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối, hoa
quả ngọt và thịt gà
Chia sẻ với chúng tôi,
chị Chung cho biết chồn mốc rất dễ nuôi. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối
chín, các loại hoa quả ngọt và cổ, cánh gà băm nhỏ. Chồn mốc có sức đề kháng cao, thức ăn
dễ kiếm, khu vực chuồng nuôi không cần diện tích rộng, mỗi lồng nuôi bằng thép
được thiết kế với diện tích khoảng 1 m2 có thể được 1 con. Chuồng nuôi chồn
được lắp đặt hệ thống giữ ấm vào mùa đông, phun sương chống nóng vào mùa hè,
đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định. Chồn là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ
ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại sạch
sẽ để chồn không bị bệnh. Gia đình cũng đầu tư hệ thống máy lọc nước để
đảm bảo nguồn nước uống luôn tinh khiết, sạch sẽ, đề phòng dịch bệnh cho chồn, đồng thời sát
khuẩn chuồng từ 1- 2 lần/tuần.
Hiệu quả kinh tế cao
Chồn mốc có trọng lượng khá lớn,
trung bình 6-7kg/con. Chồn nuôi 8 tháng là bắt đầu
sinh sản, một con chồn mẹ,
mỗi năm sinh sản 2 – 4 con. Chồn con nuôi khoảng 2,5 tháng có thể bán giống với
giá 13-15 triệu đồng/cặp giống, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/cặp; chồn
thịt bán với giá 1,5 triệu đồng/kg; Với lợi nhuận như vậy, song chi phí thức ăn
cho chồn không cao, ước tính chỉ 2.000 đến 4000 đồng/con/ngày. Chỉ tính riêng
năm 2024, gia đình chị Chung đã xuất bán được 70kg chồn thịt, thu về trên 100
triệu đồng. Ngoài ra còn bán con giống cho các hộ chăn nuôi, đem về nguồn lãi
hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Hiện trong chuồng của gia đình chị Chung đang
còn hơn 20 con chồn thịt trọng lượng 5-7kg đang chờ xuất bán, một số chồn cái
mang thai sắp đến kì sinh sản. Gia đình đang mua thêm giống chồn hương để nuôi
cùng chồn mốc.
Gia
đình chị Chung đầu tư máy lọc nước để đảm bảo nguồn nước tinh khiết, phòng trừ dịch bệnh
cho chồn
Bà
Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai cho biết: Nuôi chồn của hội viên Lê Thị Chung là một
mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện của địa
phương. Chồn mốc có giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều vật nuôi khác, đặc
biệt là với nhu cầu ngày càng lớn từ các quán ăn và nhà hàng, do đó đầu ra cho
chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi. Hội LHPN đang nghiên cứu để nhân rộng mô
hình này cho hội viên.
Hiện nay, nhận thấy mô hình nuôi chồn
là hướng phát triển kinh tế mới đầy tiềm năng, bà con nông dân trong vùng và
lân cận đang học hỏi và đặt mua con giống để phát triển kinh tế. Với sự đầu tư
bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mô hình nuôi chồn sẽ mở ra
hướng đi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Bên cạnh đó, cơ
quan chức năng của thị xã cũng khuyến cáo, để nuôi chồn mang lại hiệu quả kinh
tế cao, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn để áp dụng các kỹ thuật
phối giống, chăm sóc con. Đồng thời người chăn nuôi cần phải mua con giống ở
các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi
phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan
quản lý nhà nước.