CÚI NHÌN MÀU XANH!
Ký- Đàm Quỳnh Ngọc
Ngày mới lớn lên, trẻ trung, thích đi xiêu bạt khắp nơi, hai phần ba đời người lại quay về chốn cũ. Về làm chi? Có chi mà về? Muốn thưởng thức hương vị đất đồng quê trở thành nhu cầu tất yếu của bản thân.Vì sao mê muội, đắm đuối mùi đất đến như thế? Đất là máu, là linh hồn của người nông dân, xuất thân từ nông dân nên nhớ, nên quen. Đó là cách nói ngày trước, giờ phải nói lại, đất là linh hồn, là máu của mỗi con người sống ngay trên mặt đất, chứ không phải chỉ có người nông dân mới yêu đất. Thế thôi, điều ấy tưởng là đơn giản, hóa ra mất bao nhiêu thời gian mới hiểu được tình yêu với đất từ đâu? Ở ngay trong máu của mình chứ ở đâu.Và cũng thật đơn giản, cứ nghĩ rằng ông cha đã nói: “hiền như đất”, thì cùng đồng nghĩa coi như là mình đã hiểu về đất lắm lắm. Chao ôi, hóa ra không phải như mình tưởng! Nhầm to. Đất khó tính và bí ẩn vô cùng! Con người sẽ trở nên vô nghĩa lý nếu như không hiểu, không thành tâm với đất...
Con đường độc đạo vào khu vực tổng đội TNXP thời kỳ mới thành lập.
|
Ngày còn nhỏ, tôi cũng đã từng theo người lớn đi về miền tây huyện Quỳnh Lưu để chặt củi, đốt than, thưởng thức mùi vị đất! Con đường về miền tây huyện ngày ấy rất khó khăn, lầy lội, đúng với từ ngữ “trèo đèo lội suối”, “rừng thiêng nước độc”. Chóp núi ngày xưa mờ mờ ảo ảo, những đám mây luôn nặng trĩu nước. Các quả đồi hình mâm xôi với rừng cây tạp, người dân do đói nghèo đã chặt, đào cả gốc cây, hay đốt than mang về nhà dùng, sinh hoạt, hoặc bán làm củi ở các chợ vùng bãi ngang, vùng biển, để lấy tiền mua gạo. Tệ nạn phá rừng ở đâu đó để làm giàu, chứ những người dân quê tôi có một thời phải vào rừng chặt cây cũng vì cái nghèo, cái đói. Và không ít một số người dân vì đói đã bỏ quê đi tìm vùng đất mới với hy vọng có cuộc sống sáng lạn hơn!
Đất không nuôi được người, người bỏ quê ra đi!
Đất vô chủ, thành đất trống, đồi trọc, những quả đồi nom từa tựa như ngôi mộ, rờn rợn! Còn ai “trồng cây gây rừng” cho mai sau?
Không có ai bảo vệ rừng, giữ đất, chăm sóc đất có hiệu quả hơn người dân sở tại?
Đó là những câu hỏi lớn, có một thời day dứt của những con người có trách nhiệm đang sống ngay trên quê hương mình.
Hôm rồi, ngày 20/11 năm nay (2016) tôi về quê thăm thầy cô, bạn học. Và ngạc nhiên chưa, nhiều bạn học ngày xưa cũng đã từng vào rừng chặt củi kiếm sống ở miền tây huyện, giờ đang sinh sống tại xã Tân Thắng, công dân của Tổng đội TNXP huyện Quỳnh Lưu.
Nguyên PTT Nguyễn Công Tạn, Nguyên PBT tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Thế Trung thăm vườn ươm của tổng đội TNXP xây dựng kinh tế mới Quỳnh Lưu.
|
Tên xã Tân Thắng được tách ra từ xã Quỳnh Thắng, sau khi có Tổng đội TNXP – XDKT huyện ra đời trong vùng lõi của hơn 7000ha hoang vu ngày trước, nằm hun hút ngút ngàn trong dãy núi, rừng cây. Địa danh này ít người nghĩ sẽ đặt chân đến nơi ấy, hoặc để định cư lâu dài.
Vậy Tổng đội TNXP huyện nhà thành lập từ lúc nào? Ngày còn ở quê, tôi chưa nghe nói đến điều đó.
Với tinh thần hào hứng say mê, dư âm của tuổi trẻ trong ngày tựu trường, tôi tìm về Tổng đội TNXP cách trung tâm huyện 30 km về phía tây.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn nguyên Bí thư tỉnh đoàn Nghệ An (nay là PBT tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh) cùng đội viên trồng cây trên khu kinh tế mới.
|
Con đường đất nhỏ lầy lội ngoằn nghèo chạy qua các con dốc vào bản làng ngày xưa giờ đã biến đất, thay vào đó, con đường nhựa sạch sẽ, rộng thoáng. Ô tô bon bon, xe máy đời mới chạy vun vút, hai bên đường các đồi dứa, mía đang xanh, những ngôi nhà dân lô nhô nơi sườn đồi lúc ẩn, lúc hiện, không khí mát mẻ trong lành. Thật đáng quý khi có môi trường thiên nhiên như thế! Bởi được biết, hiện giờ, huyện Quỳnh Lưu, và thị xã Hoàng Mai phía Bắc Nghệ An gắn với Nam Thanh Hóa đang theo hướng phát triển Khu công nghiệp hình thành dần các ngành như xi măng, nhiệt điện, cơ khí, hóa chất, cảng biển, vật liệu xây dựng…Điều đó khẳng định rằng, khu dân cư của Tổng đội TNXP, các quả đồi dứa, mía, ao cá, chăn nuôi…góp phần cân bằng hệ sinh thái thiên nhiên ở Bắc Nghệ và Nam Thanh.
Đồng chí Hồ Anh Dũng (nguyên phó tổng GĐ Đài truyền hình Việt Nam) và Đồng chí Võ Văn Dũng (nguyên Bí thư huyện đoàn Quỳnh Lưu) thăm con đường mới của tổng đội TNXP.
|
Anh Nguyễn An Hùng Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP nhỏ người, nhanh nhẹn tươi cười khi có khách. Anh Hùng sinh ra, lớn lên, sống trên mảnh đất có Tổng đội từ ngày mới thành lập. Anh đã làm cấp phó cho ba đời cấp trưởng Tổng đội, nói thuộc lòng không cần bút sổ khi có người hỏi về con người, mảnh đất quê mình. Anh nói, Tổng đội hiện giờ có 212 hộ, 365 lao động, 750 nhân khẩu, 23 hộ dân tộc Thái, 8 hộ Giáo dân. Có trạm xá, Hội phụ nữ…nghĩa là đầy đủ thành phần ban bệ của một tổ chức hành chính bảo vệ quyền lợi nghĩa vụ cho mỗi công dân. Dân số của Tổng đội hầu hết là người trong huyện nhà, được tuyển chọn lớp người trẻ trung khỏe mạnh khai thác rừng hoang từ buổi ban đầu. Cho đến thời điểm giờ, Tổng đội giao đất giao rừng cho dân với định mức trung bình 3ha/1hộ.
Tôi đi cùng anh Hùng vào thăm nhà anh Bùi Văn Sơn, một Đội viên có thu nhập khá ở đội 4. Anh Sơn có ngôi nhà hai tầng khang trang, hai đứa con gái xinh, ngoan, thu nhập của anh từ trồng dứa, mía, nuôi gà, cá. Tổng thu nhập một năm của anh Sơn khoảng 400 triệu (bốn trăm triệu)
“Có cuộc sống thế là quá giỏi rồi”, tôi khen anh Sơn.
Anh Hùng nói: “Đã tham gia Tổng đội là phải…giỏi, siêng năng, không giỏi chỉ có chết đói. Tổng đội giao đất, giao rừng phải “nhìn mặt gửi vàng” chứ O”
Anh Hùng nói phải, ở vùng đất có “truyền thống” nghèo đói từ xa xưa, siêng năng là bản chất của mỗi con người để tồn tại. Tôi nhìn những quả đồi quanh nhà, trước kia chỉ có cây tạp và đồi trọc, giờ dứa, mít xanh um. Bên cạnh vườn đồi là ao cá, chuồng gà. Không khí trù phú, yên bình. Có thể năm, mười, hoặc vài chục năm nữa, đám trẻ lớn lên, thế hệ mới ra đời, dân cư nơi này đông đúc, cuộc sống ổn định, bền vững. Đất mãi mãi là của dân, dân là người chủ, không có kẻ nào dám vào…cướp đất, phá rừng. Tôi đi trên đồi dứa, miên man nghĩ mãi về người chủ đất lâu dài, bền vững. Đất là máu, là linh hồn của con người, là cuộc sống. Thấm thía lắm! Phải chăng, đó là ý nghĩa to lớn khi Đoàn thanh niên huyện ‘‘liều lĩnh’’ quyết định thành lập Tổng đội TNXP chính là chỗ đó!
Đồng chí Vũ Văn Tám nguyên Bí thư TW đoàn (nay là thứ trưởng bộ NNPTNT) thăm vườn dứa Cayen trong vụ dứa đầu tiên của tổng đội TNXP năm 2001.
|
Cúi nhìn quả đồi dứa xanh ngút ngàn mát rượi chưa đến mùa thu hoạch, những ngôi nhà xa xa lẩn khuất với màu xanh. Trong tôi có cái gì đó bâng khuâng nhớ về một thời nơi đây chỉ là vùng đất hoang vắng, lạnh lẽo. Bất chợt tôi hỏi:
“Anh Hùng này, ai là người ra chủ trương và ký quyết định thành lập Tổng đội từ năm 1999”
“Bí thư Huyện đoàn chứ ai” anh Hùng nói.
“Bí thư huyện đoàn, nhưng cụ thể ngày ấy là ai?”
“Anh Võ Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai bây giờ đó, tưởng O biết rồi”.
Oa, tưởng ai! Anh Dũng cùng quê, học cùng trường Phổ thông Trung học với tôi, có lạ chi! Ngày ấy học xong Phổ thông, tôi học Đại học, rồi đi đây đi đó, cuối cùng ổn định cuộc sống tại Thành phố Vinh. Tôi hay về quê thăm cha mẹ, anh em, họ hàng vào ngày giỗ, tết hoặc ốm đau. Gặp bạn bè cũ trong đó có anh Dũng chào hỏi sức khỏe như bao người bạn khác, ít khi trò chuyện. Hôm nay nói chuyện với anh Hùng, ngẫm lại, thấy ông cha ta nói có bao giờ sai “bụt chùa nhà không thiêng”. Tôi cứ mải mê đi tìm những gương mặt tốt, việc tốt có tấm lòng nhiệt huyết với cuộc đời ở đâu đâu, trong khi người ở quê mình đâu có thiếu, có kém gì con người nơi xa xứ. Hóa ra, người có ý tưởng và quyết định xin thành lập Tổng đội TNXP là anh Dũng ư?
Tôi quay về huyện, gặp lại anh Võ Văn Dũng, người đã đi thăm thầy cô giáo cũ Trường phổ thông nhân ngày 20/11 vừa qua với thái độ bẽn lẽn như…cậu học trò ngày nào!
Tôi hỏi: “Anh Dũng trước đây làm Bí thư huyện đoàn mấy năm?”
“Bảy năm Phó Bí thư, tám năm Bí thư, chưa kể 1 năm làm Thường vụ Đoàn xã và 4 năm làm bí thư chi đoàn ở trường đại học, ngót 20 năm đó O”
“Những hai mươi năm làm công tác Đoàn? Cống hiến hết tuổi thanh xuân cho việc ấy rồi còn gì. Nhưng dấu ấn để lại một thời công tác cho anh là Tổng đội TNXP của huyện mình cũng không uổng phí anh nhỉ?”
“Ừ, thời đó cũng có chút mê say hào hứng của tuổi trẻ. Mà O hỏi lại làm chi? Chuyện qua lâu rồi? Vấn đề là ý tưởng, quyết tâm xây dựng Vùng kinh tế của huyện Đoàn ngày ấy với mục đích di, giãn dân để xây dựng cuộc sống, bảo vệ rừng, bảo vệ đất, coi như đã thành công. Tổng đội ra đời cho đến nay đã mười tám năm. Lớp tuổi TNXP ngày ấy theo lời kêu gọi của huyện Đoàn tình nguyện lên vùng sơn cước khai phá rừng hoang, giờ đã có gia đình, thành Khu dân cư như O đã biết đó”
“Vạn sự khởi đầu nan”, anh gắn bó tuổi trẻ với rừng xanh, đồi trọc chắc có nhiều kỷ niệm đẹp, sâu sắc, là bài học cho lớp trẻ thế hệ sau. Anh kể cho O nghe với”- Tôi hỏi.
Anh Dũng đang nói chuyện vui, thái độ bỗng trầm hẳn xuống, đôi mắt có vẻ đượm buồn nhớ lại một thời:
“O à, huyện mình đất rộng, người đông, phân bổ dân cư chưa đồng đều, nên bác Nguyễn Hữu Đợi nguyên Bí thư huyện ủy ngày ấy đã từng ra chủ trương di dân với câu nói nổi tiếng: “thay trời đổi đất, xếp đặt lại giang sơn” chắc O còn nhớ?”
“Vâng, O còn nhớ, bản chất, mục đích của chủ trương là như vậy, nhưng thời của anh khác với thời của bác Đợi chứ?”
“Tấm lòng của bác Đợi với cuộc sống, với nhân dân thì ai cũng rõ. Nhưng thời bác Đợi thực thi chủ trương di dân, bốc dân lên vùng đất mới ở miền tây huyện rồi sắp xếp cuộc sống dần dần, nên cũng có nhiều khó khăn cho cuộc sống sau này! Một số dân không ổn định được cuộc sống mới đã bỏ đất vào Nam. Thế mới có câu nói của bác Đợi về công việc này “vừa chạy vừa xếp hàng” là vậy.”
Nguyên PTT Nguyễn Công Tạn hướng dẫn về kỹ thuật cho cán bộ tổng đội, chỉ đạo kỹ thuật nuôi cây mô trên đồng đất của tổng đội. |
“Thế cách làm việc của thời anh?” - Tôi nôn nóng hỏi.
“Thì như O biết đó, thành lập Tổng đội TNX với chủ trương “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Đến vùng đất mới, tuổi trẻ dẫn đầu, khai phá rừng xanh, hình thành mô hình cuộc sống mới, dần dà sau này mới trở trở thành khu dân cư, ổn định, bám đất, bám rừng”.
“Anh lúc ấy đang là Thanh niên mà thận trọng trong công việc nhỉ?” Tôi dò hỏi.
“Cũng là bài học, rút kinh nghiệm từ bác Nguyễn Hữu Đợi thôi, nhiệt tình, nhưng làm gì phải chắc đến đó O à”.
Anh Dũng chia sẻ thêm :
“ Ý tưởng mới, công việc mới bao giờ cũng có nhiều khó khăn giữa cái chung cái riêng, người ủng hộ và chưa ủng hộ. Nói chi cho hết những gian khó nếu như không có ý chí, không thể thực hiện được chủ trương đặt ra ban đầu. Có vị lãnh đạo thưở ấy kiên quyết không ủng hộ thành lập Tổng đội vì “Tổng đội là tội đống”, làm nản lòng nhiều người. Anh buồn, nhưng vững tâm, có phần mạo hiểm với công việc đã đưa ra. Ngày có quyết định thành lập Tổng đội rồi, bao khó khăn chồng chất và có phần nguy hiểm vì ngày ấy chiếc phà, cầu phao là phương tiện duy nhất đi qua Vực Mấu đến Tổng đội (giờ đã có cầu). Đường trơn trượt, leo dốc, đi xe máy phải đẩy, ở túp lều khai hoang đầy sên, vắt. Đem quân lên rừng khai hoang, phải nghĩ : làm gì cho ngày mai, chọn cây gì, con gì? Đất ở miền tây huyện mình rộng, giàu tiềm năng, nhưng vẫn chưa làm ra được sản phẩm, thu nhập nào cho chính mình từ mảnh đất gian nan khổ ải này. Cuộc sống vững bền thì phải bắt nguồn đi lên từ đất chứ không phải quanh năm đi xin hết chế độ, chế độ kia. Miền tây không nghèo nếu như biết khai thác từ đất. Tầng đất có độ dày, màu mỡ tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh! Tiềm năng kinh tế đó lại nằm ngay trong mảnh đất còn nhiều khó khăn cơ cực. Anh đã mất ba tháng trời lặn lặn lội tìm hiểu nguồn gốc sản xuất của các nông trường thời bao cấp, rồi ra Hà nội làm việc với Viện nghiên cứu cây trồng Nông nghiệp, đến Trường đại học Nông nghiệp I để tìm, khảo nghiệm giống cây trồng thích hợp đất mình. Cuối cùng, chốt vấn đề lại khi tìm đến Nông trường Đồng Giao khảo nghiệm cây dứa. Sau đó bàn cơ chế hợp tác với họ để chuyển giao kỹ thuật. Một năm có kết quả, đi kiểm tra độ đường, dứa ở trên mảnh đất mình hơn ở Đồng Giao hai độ đường. Của họ 8%, của mình 12%. Anh mừng vô kể, kết quả đó cứu anh thoát khỏi sự mong manh. Bởi người ủng hộ thành lập Tổng đội cũng nhiều, nhưng người chưa ủng hộ không phải là ít”
“Mùa dứa đầu tiên thu hoạch ngay trên mảnh đất của mình là năm nào đó anh?”- Tôi hỏi.
“Năm 2001 đó O à. Anh rất biết ơn những người đã ủng hộ, lao tâm khổ tứ đồng hành cùng anh để công việc có sức thuyết phục hơn, trong đó có anh Phan Sỹ Trà, chị Nguyễn Thị Tâm, phòng tổng hợp Sở Kế hoạch- Đầu tư đã tin tưởng anh, thuyết phục Chủ tịch tỉnh nên cho ra đời Tổng đội TNXP, tin tưởng người đứng đầu tổ chức có trí tuệ, nhiệt huyết với quê hương. Chủ tịch tỉnh đã đồng ý ngay sau đó, gọi anh và mời giám đốc Sở KH- ĐT để giao việc giúp Tổng đội Quỳnh lưu mình. Anh mừng đến rơi nước mắt. Đó là Tổng đội đầu tiên cấp huyện có ở tỉnh ta đó O.”
Tôi lắng nghe, và thầm nghĩ, người quê tôi, trong đó có anh Dũng dường như có tố chất đi đầu dậy trước không sai !
Anh Dũng rót nước mời tôi, từ tốn tiếp theo câu chuyện :
“Mùa thu hoạch dứa đầu tiên, có niềm tin, hứng khởi với tuổi trẻ và xóa nhòa hoài nghi của những người trước đó chưa tin, chưa ủng hộ Tổng đội. Tư tưởng có phần suôn sẻ, số lượng thanh niên đầu quân tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới ở miền tây huyện nhiều hơn với tinh thần thoải mái. Nhất là sau đó có bác Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, anh Vũ Văn Tám- Bí thư Trung ương đoàn (nay là Thứ trưởng Bộ NN- PTNT), các bác Trương Đình Tuyển, Nguyễn Thế Trung - Bí thư tỉnh ủy...đã đi về nhiều lần động viên Tổng đội rất lớn trong công việc khai thác rừng xanh, động viên những người không quản gian khổ đi mở đất để miền tây Quỳnh Lưu có cuộc sống trù phú như hôm nay.”
Anh Võ Văn Dũng kể như hoài niệm, say sưa dư âm một tấm lòng nhiệt huyết thời tuổi trẻ còn lưu.
“Giờ không trực tiếp công tác Đoàn ở Tổng độ TNXP nữa, anh có ý tưởng gì nữa không ? ” - Tôi hỏi.
“ Khi ra đời Tổng đội TNXP, anh không nghĩ chỉ làm nông nghiệp đơn thuần, mà mong sẽ thành Khu nông nghiệp, công nghệ cao, có sản phẩm vượt biên giới như nước Nhật. Bởi ở Nhật có một làng chỉ 500ha họ chuyên canh cà chua, nhưng sản phẩm đi khắp thế giới. Mong sản phẩm dứa được mang đến xứ lạnh trời Tây. Dân xứ lạnh trượt tuyết, chơi thể thao, họ có nhu cầu lớn về sản phẩm dứa có vị chua thanh như dứa xứ Nhiệt đới đó O”
Tôi hỏi câu cuối cùng, nghĩ đùa anh Dũng, không ngờ anh lại trả lời nghiêm túc về một ý tưởng mới cần phải có một cơ chế cho Tổng đội TNXP sau này phù hợp với cuộc sống của thời đại Khoa học Công nghệ!
Nguyên PTT Nguyễn Công Tạn cùng kéo phà với thanh niên tổng độ qua sông Vực Mấu.
|
Nhớ lại hôm chia tay với anh Nguyễn An Hùng - Tổng đội trưởng- và Đội viên TNXP là chủ rừng, chủ đất ở miền tây huyện Quỳnh, tôi nhìn đồi dứa xanh ngút ngàn tầm mắt, trong lòng thấy nhẹ nhàng thanh thản.“Đất lành chim đậu” là quy luật của đất trời. Trong tôi chỉ còn nỗi canh cánh, băn khoăn, đó là đầu ra của dứa chưa ổn định. Hầu hết sản phẩm dứa phụ thuộc vào thương lái. Anh Hùng nói, cũng đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, các ngành tìm một hướng đi bền vững cho việc thu mua và chế biến dứa, nhưng chưa có hướng giải quyết. Nếu ở Nghệ An chưa hình thành nhà máy chế biến dứa cô đặc như mong muốn thì Tổng đội sẽ có ý định thiết lập lại mối quan hệ với công ty Đồng giao như ngày trước.
Lãnh đạo huyện thăm ruộng dứa Cayen.
|
Cuộc sống là vậy, phải luôn đổi mới tư duy để đi lên. Còn ai đó “quyền cao chức trọng ” “bình chân như vại ” “an phận thủ thường” thì cuộc sống ở Tổng đội TNXP vẫn đang có nhiều trăn trở hằng ngày với mong muốn đổi mới đi lên! Ai có dịp đi qua miền tây huyện Quỳnh, cúi nhìn màu xanh sẽ nhận thấy điều đó!
Nghệ An - 12/2016