image banner
Nơi sự sống hồi sinh

Con đường dẫn vào làng phong Quỳnh Lập sâu hun hút và quanh co theo những sườn đồi, bên kia là bãi biển triền miên cát vàng và nước xanh thăm thẳm. Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quỳnh Lập cơ sở 1 (Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nằm biệt lập giữa những vạt đồi bạt ngàn cây lá và thưa thớt dân cư. Sự tĩnh mịch của đồi núi như bao bọc lấy những phận đời trầm buồn bị căn bệnh phong hành hạ, từng bị người đời xa lánh, hắt hủi. Thế nhưng, le lói phía sau màn đêm cuộc đời ấy, bằng nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào tương lai phía trước, những tia sáng của hi vọng đã được thắp lên, những nụ cười đã trở lại trên môi những người bệnh và con cái, gia đình của họ.

Anh-tin-bai

 Con đường rẽ vào làng Phong Quỳnh Lập quanh co bên sườn đồi

Nơi tận cùng nỗi khổ
Chúng tôi ghé thăm khu điều trị bệnh nhân phong vào một sáng cuối tuần. Nắng vừa lên, vài cụ già tranh thủ mang quần áo ra sân phơi. Dăm ba cụ tụm lại bên hiên nhà, trò chuyện nói cười rôm rả. Những hình ảnh này trái ngược với những gì mà hàng trăm bệnh nhân phong nơi đầy đã từng trải qua. Họ- những con người từng bị người đời lãng quên, đã lặng lẽ dắt díu nhau về nương tựa nơi đây từ mấy chục năm nay. Ngày đầu thành lập (1957), Bệnh viện được đặt tên là Trại phong Quỳnh Lập, đến năm 1965 đổi tên thành Khu điều trị Phong Quỳnh Lập. Với nhiệm vụ là điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong thuộc các tỉnh phía Bắc, bộ đội toàn quân, công nhân viên chức cả nước, làm nghĩa vụ quốc tế cho người bệnh phong các nước bạn Lào, Cam pu chia, các tỉnh giáp biên của Trung Quốc.

Anh-tin-bai

 Tranh thủ trời nắng lên, bệnh nhân mang quần áo ra phơi

Từ năm 1957 đến năm 1964 các dãy nhà cấp bốn được sửa sang tương đối khang trang, cơ sở vật chất được đầu tư, bệnh nhân vào viện được nhân viên y tế chăm sóc chu đáo, nhiệt tình. Có thể nói bệnh nhân như từ cõi chết được trở về. Nhưng thời kỳ chiến tranh ác liệt từ năm 1965 đến năm 1974, toàn bộ cơ sở vật chất mới được xây dựng bị sập đổ hoàn toàn sau một trận ném bom của đế quốc Mỹ. Trên 200 bệnh nhân phong bị chết, số còn lại phải sống cảnh màn trời, chiếu đất. Sau đó phải hai lần đưa bệnh nhân đi sơ tán tại nơi rừng sâu, nước độc. Cán bộ thầy thuốc, bệnh nhân cùng ăn, cùng ở, cùng làm dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù.

Anh-tin-bai

Những đôi mắt đượm buồn chất chứa sự mặc cảm cho số phận

Ký ức của nhiều cư dân trại phong Quỳnh Lập như dừng lại ở đó. Quá nửa thế kỷ, họ sống trong một thế giới của những "người hủi", biệt lập với thế giới bên ngoài. Sự sợ hãi vẫn ngăn cản những người không mang bệnh bước qua cánh cổng "trại phong", và người bệnh bên trong cũng không dám bước ra ngoài. Cuộc sống nơi đây từng đáng sợ hơn cái chết. Đó chính là sự mặc cảm, sự lạnh lùng, miệt thị, sự bất bình đẳng trong đối xử, sự xa lánh của gia đình và cộng đồng. Họ đã bị bệnh tật hành hạ đau đớn, nhưng đau đớn hơn là sự quay lưng của người đời, là mặc cảm vây hãm. Ngồi trên giường bệnh, cụ Lê Trọng Diêu (1934), quê quán xã Triệu Long- Triệu Hải- Bình Trị Thiên ( nay là Quảng Trị) trầm ngâm nhớ lại. Những năm tháng dài đằng đẵng trong cuộc đời, cụ đã gắn bó với mảnh đất này, chứng kiến biết bao buồn vui. Ở một thế giới của những người bệnh “phong hủi”, mối liên hệ với thế giới bên ngoài dường như bị cô lập. Không có người thân, không họ hàng, không bạn bè. Mỗi người thu mình lại trong một thế giới riêng u ám. Sự kỳ thị có giảm bớt trong hai thập kỷ qua, nhưng cũng chỉ tạo ra những chuyến viếng thăm thỉnh thoảng từ các đoàn tình nguyện rồi vội vã rời đi. Khái niệm ngày và đêm đối với cụ cũng như bao người bệnh khác gần như khó rạch ròi, bởi họ chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường, cắn răng chịu đựng những cơn đau hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác. 

Anh-tin-bai

Cụ Lê Trọng Diêu (1934) đã gắn bó cả cuộc đời dài đằng đẵng của mình ở Trại phong

Thời kì đất nước bao cấp rồi bệnh viện chuyển sang hạch toán kinh doanh, điều kiện kinh tế-xã hội chưa phát triển, kinh phí Nhà nước có hạn, thiên tai, bão lụt triền miên liên tục đe dọa. Đời sống của bệnh nhân phong vô cùng cực khổ, thiếu thốn. Với mức trợ cấp ít ỏi, họ chỉ ăn hai bữa/ ngày, gồm một bữa vào lúc 10 giờ sáng, một bữa vào lúc 3 giờ chiều, rồi ngủ sớm để chờ đến ngày hôm sau. Những cơn đói hay đến vào ban đêm. Mì gói, thứ tài sản được các đoàn từ thiện đem đến, chỉ mới xuất hiện những năm sau này. Họ sẽ tự nấu mì ăn ban đêm nếu đói quá. Đấy là khi có mì. Còn không, trong giá lạnh của mùa đông hay những đêm hè nóng nực, họ tự gặm nhấm ký ức để qua cơn đói. Mỗi năm, các bệnh nhân có chế độ một bộ quần áo; chăn màn được thay bốn năm một lần. Khi họ chết đi, nhà nước sẽ cho tiền mua quan tài và chi phí mai táng, còn lại các thành viên trại tự lo liệu.
Cuộc sống hồi sinh
Thế nhưng, những con người ấy chưa từng dập tắt niềm tin vào một sự thay đổi. Trong thẳm sâu những đôi mắt chất chứa u buồn vẫn le lói hi vọng. Khoa học đã chứng minh, phong không phải là căn bệnh di truyền, rất khó lây nhiễm, bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn và tránh được tàn phế, nếu điều trị sớm bằng đa hóa trị liệu. Với sự tiến bộ của y học và xã hội, Bệnh viện Phong- da liễu Trung ương Quỳnh Lập không còn tiếp nhận bệnh nhân mới. Cư dân trẻ nhất là 26 tuổi- con của một bệnh nhân phong, cư dân cao tuổi nhất đã 92 tuổi. Qua thời gian, số cư dân giảm dần. Hiện tại, khu điều trị nội trú bệnh nhân phong còn 156 bệnh nhân, trong đó có 77 bệnh nhân phải chăm sóc toàn diện. 

Anh-tin-bai

Bệnh nhân được các y bác sĩ chăm sóc toàn diện

Từ một "trại cùi" hẻo lánh nay đã trở thành một Bệnh viện Trung ương tầm cỡ. Cuộc sống của bệnh nhân nơi đây đang từng ngày đổi thay. Mỗi ngày ở đây, làng quê bình yên nép mình bên bãi biển đang mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng, san sát, nương tựa vào nhau. Tình yêu đã nảy nở giữa những con người cùng hoàn, cảnh, đồng cảm và thấu hiểu. Những căn nhà tròn đầy hạnh phúc của những bệnh nhân phong và con cháu của họ - thế hệ những người mạnh khỏe - cùng chung sống.  Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như bất cứ ngôi làng nào, vùng dân cư nào. Làng phong Quỳnh Lập trở thành mái ấm chở che của hàng trăm hộ dân. Những người bệnh vẫn nhẫn nại trên bước đường tìm kiếm sự thành công trong điều trị bệnh, với niềm tin và mơ ước yên lành cho cơ thể cũng như tâm hồn. Họ gắng sức tạo lập một cuộc sống dù còn lắm gian truân, nhưng cũng đầy ý nghĩa. Con, cháu họ, những đứa trẻ lớn lên từ mảnh đất trại phong lành lặn cả thể xác lẫn tâm hồn, được chăm sóc dạy dỗ tử tế, đã hòa nhập cộng đồng, vươn ra khỏi làng để trở thành những kĩ sư, bác sĩ, giáo viên. Nhiều em trong số đó sau những tháng ngày đèn sách, đã trở về với làng phong trong vai trò thầy giáo hay thầy thuốc, cùng mọi người và cả cộng đồng xoa dịu nỗi đau chung...

Anh-tin-bai

 Làng phong Quỳnh Lập giờ đây trở thành ngôi làng bình yên, nhà cửa mọc san sát

Trải qua 66 năm xây dựng, đến nay bệnh viên có 22 khoa, phòng chức năng,  297 viên chức lao động với trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, đơn vị có 2 cơ sở ở xã Quỳnh Lập và phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tổ chức khám và điều trị đa khoa cho tất cả các đối tượng bệnh nhân. Tập trung điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong, đã tiếp nhận trên 3.000 bệnh nhân phong, điều trị khỏi bệnh và xuất viện trên 1.700 bệnh nhân, trong đó có 540 quân nhân, 373 cán bộ, viên chức, 93 bệnh nhân quốc tịch Lào, trên 1.000 lượt bệnh nhân được phục hồi tàn tật bằng phẫu thuật chính hình, trên 3.500 bệnh nhân cụt chân được cấp chân giả và hàng ngàn bệnh nhân được cấp nạng nẹp, xe lăn…Ðể đạt được kết quả như vậy, điều đáng nói đầu tiên chính là nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với những chính sách và chương trình hành động cụ thể, nhờ nỗ lực của ngành y tế và địa phương với quyết tâm loại trừ bệnh phong ra khỏi cộng đồng. Nhưng trực tiếp ở đây, ở chính làng phong này, công sức thuộc về những thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, luôn đồng hành, sát cánh bên bệnh nhân.

Anh-tin-bai

Bệnh nhân được chăm sóc tận tình bằng tấm lòng của những lương y

Lòng nhân hậu và tình yêu nghề đã tạo nên một không gian ấm áp. Với trách nhiệm điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân phong, đội ngũ nhân viên trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và chăm sóc duy trì cuộc sống cho những bệnh nhân phong ở đây nhằm hạn chế những di chứng của bệnh, giúp bệnh nhân vượt qua những đau đớn về thể xác, giảm thiểu những bất tiện trong sinh hoạt và đặc biệt là sự chia sẻ về tinh thần đối với người bệnh. Ngoài ra lãnh đạo bệnh viện còn tạo điều kiện cho con em bệnh nhân có cơ hội được làm việc trong bệnh viện ở các vị trí phù hợp với chuyên môn và năng lực, góp phần động viên tinh thần và giải quyết vấn đề việc làm cho người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện đã tăng cường công tác tuyên truyền, kết nối với các tổ chức, cá nhân có lòng thiện nguyện cùng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với bệnh nhân phong, hỗ trợ phần nào vật chất và tinh thần trong các dịp lễ tết cho các gia đình bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nặng không có người thân, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của nhân viên bệnh viện. 

Anh-tin-bai

Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt của những mảnh đời đã chịu nhiều đau khổ

 

Anh-tin-bai

 

Các đoàn thiện nguyện thường xuyên ghé thăm các bệnh nhân

Sự sống nơi đây giờ đã sinh sôi, nảy nở, quá trình nỗ lực sống, khát khao hạnh phúc đã chiến thắng đau đớn bệnh tật ở những mảnh đời tàn nhưng không phế của những bệnh nhân phong nơi này. Mỗi ngày, cuộc sống vẫn tiếp diễn với những công việc thường nhật, người ra biển cào ngao, người trồng rau làm vườn, người mạnh khỏe đi làm, trẻ con đến lớp… Tiếng cười, tiếng nói rộn rã chào nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi.

Anh-tin-bai

Cuộc sống hồi sinh trên mảnh đất làng phong

Cuộc sống là vậy, tình người là vậy, ý chí sống là vậy, giản đơn mà trân quý vô cùng. Lặng lẽ nhưng dũng cảm đi qua bóng tối, hướng về phía mặt trời- nơi mà ánh sáng sẽ không bao giờ vụt tắt bởi nó được thắp lên bởi niềm tin, sự kiên nhẫn của con người với cuộc sống đầy khó khăn, thử thách. Nơi ấy còn là ánh sáng của lòng yêu nghề, của lương y vẫn rực cháy phía sau chiếc áo blouse trắng. 

 
Thanh Thủy
THÔNG BÁO
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
Đăng nhập
mage banner
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ HOÀNG MAI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Anh Văn, UVBTV - Phó Chủ tịch UBND
Trụ sở: Khối Sỹ Tân - Phường Quỳnh Dị - Thị xã Hoàng Mai
Điện thoại: 02383.666.456. Fax: 0383.666.456