Theo quan niệm dân gian của người Việt, đầu năm cầu an giải hạn ở chùa, đền phủ nào thì cuối năm dù bận rộn, đau ốm cũng phải cố gắng thu xếp thời gian để về nơi đó làm lễ tạ. Điều này không chỉ là tín ngưỡng dân gian mà còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân đất Việt. Hơn nữa, người ta cho rằng luật trời “Có vay có trả”, ăn lộc Thánh thì phải biết tạ lễ, tạ ơn. Người vong ân bội nghĩa tất sẽ gặp quả báo, chẳng thể nào có được những điều tốt đẹp mãi. Đi trả lễ cho tâm hồn thanh thản, yên tâm bước sang năm mới với nhiều điều may mắn hơn.
Đền Cờn được ví là ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ
Chính vì vậy, bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch hàng năm, lượng du khách đổ về Đền Cờn, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã bắt đầu tấp nập. Đền Cờn toạ lạc bên dòng Mai Giang, thuộc địa phận làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai, Nghệ An). Tương truyền người xưa từng ví “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Theo cách sắp xếp này, Đền Cờn xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ.
Dịp cuối năm, dòng người và xe đổ về Đền Cờn rất đông
Đền Cờn được xây dựng từ thời nhà Trần, là nơi thờ tự Tứ vị Thánh Nương: Thái hậu Dương Nguyệt Quả, bà nhũ mẫu và hai vị công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương. Đền không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn nổi tiếng bởi cảnh sắc thanh tịnh, hữu tình say đắm lòng người.
Lễ hội Đền Cờn diễn ra từ 19 - 21 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, là dịp để người dân bản địa, du khách thập phương hòa mình vào những phần lễ, phần hội mang đậm bản sắc của ngư dân vùng biển. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về tạ lễ.
Đền Cờn là di sản văn hóa tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương về lễ viếng, tham quan
Bà Hồ Thị Lan đến từ Long Biên, Hà Nội cho biết: Hàng năm vào dịp đầu Xuân mới, gia đình tôi thường đi lễ cầu an ở Đền Cờn kết hợp với du Xuân. Đã xin lộc Thánh nên tranh thủ mấy ngày nắng ấm, tôi lại vào đây tạ lễ. Qua nhiều năm tôi thấy ngôi Đền ngày càng được quan tâm sửa sang quy củ hơn nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa.
Mâm lễ tạ cuối năm không cần quá cầu kì nhưng đều được chuẩn bị với lòng thành, trình bày gọn gàng, sạch sẽ. Về cơ bản, mâm lễ tạ cuối năm gồm có: Hương nhang; Hoa tươi: hoa cúc, hoa loa kèn; Quả mới: táo, xoài, thanh long; Phẩm: bánh kẹo, oản; hàng mã để dâng cùng như tiền vàng, nón hài… Một số du khách còn dâng thêm các lễ mặn như: gà luộc, giò chả, xôi… đều được nấu chín. Những mâm lễ được dâng lên bàn thờ Thánh, xếp đặt gọn gàng, ai cũng giữ ý thức không chen lấn, xô đẩy tại nơi thờ tự.
Mâm lễ tạ được dâng lên với tấm lòng thành
Trong khuôn viên của đền được bố trí các bàn ghi công đức, khu vực dịch thẻ, khu vực soạn lễ. Lúc cao điểm, sẽ có thành viên BQL hướng dẫn cho du khách . Hệ thống camera an ninh được bật 24/24h, có người túc trực để đảm bảo an ninh trật tự. Bà Nguyễn Thị Hà- Phó trưởng BQL di tích Đền Cờn cho biết: “Cuối năm là dịp du khách thập phương đổ về tạ lễ Đền Cờn rất đông. BQL di tích phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, triển khai thực hiện phương án chống ùn tắc, tuyên truyền, nhắc nhở cho nhân dân tuân thủ các quy định khi vào lễ Đền để không làm mất đi vẻ đẹp linh thiêng, thanh tịnh của ngôi Đền”.
Hệ thống camera an ninh được bật 24/24h
Năm 1993, Đền Cờn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Lễ hội đền Cờn vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể thao&Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì vậy, ngoài việc đi đền để lễ tạ, nhiều gia đình cũng kết hợp với du lịch tâm linh dịp cuối năm.
Tạ lễ cuối năm không chỉ là tín ngưỡng dân gian mà còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân đất Việt