image banner
Độc đáo các nghi thức tế lễ tại ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ

Nằm ở phường ven biển Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Đền Cờn là một di tích lịch sử nổi tiếng linh thiêng của tỉnh Nghệ An. Theo xếp hạng của nhân dân thì đền Cờn đứng đầu cả về mặt nghệ thuật cũng như về mặt tín ngưỡng. Nơi đây thờ Tứ Vị Thánh Nương, là các nữ thần bảo vệ dân chài, vốn là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của các cư dân ven biển Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều nơi khác.

 

Anh-tin-bai

Đền Cờn tấp nập du khách những ngày đầu năm mới

Là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, lễ hội đền Cờn (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) hàng năm được tổ chức quy mô lớn, với nhiều nghi lễ đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách xa gần về chiêm bái. Ngày nay, Lễ hội đền Cờn được diễn ra từ 19 đến 21 tháng Giêng năm sau, được xâu chuỗi bởi một hệ thống các lễ hội tiêu biểu.

Anh-tin-bai

Phần tế lễ được chuẩn bị chu đáo

Bắt đầu từ mồng 1 Tết, dân làng tổ chức các hoạt động tế lễ trọng thể mừng năm mới và cầu phúc lành tại đền. Mồng 4 tết là lễ tế trầu tại đền chính. Theo quy định mỗi giáp sửa soạn 4 mâm trầu cau, trầu têm cánh phượng, cau bổ 6 miếng, tất cả 16 mâm được bày đặt theo hàng lối. Các cụ cao tuổi trong ban tế lễ mũ áo chỉnh tề dàn đội hình dưới sự chỉ huy của ông chủ tế để tiến hành nghi thức tế lễ. Sau đó các mâm trầu cau được đem ra làm lộc thánh phân phát cho dân làng.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 Lễ tế trâu vào, tục gọi là “tế Tam sinh”

Sang ngày mồng 5, dân làng tập trung chuẩn bị cho lễ tế trâu vào, tục gọi là “tế Tam sinh” vì ngoài trâu ra còn có thêm lợn và gà. Theo tục xưa, lễ tế này được chuẩn bị rất công phu, buổi sáng, các giáp đưa trâu và lợn đến sân đền Trong để ban tổ chức chấm điểm, mỗi giáp 1 con, tổng cộng mỗi loại 4 con. Sau khi chấm điểm (còn gọi “nghiềm”) xong, người ta mang trâu và lợn về giáp mổ, để nguyên cả con để dâng cúng thần. Sau khi được khôi phục lại, lễ tế này được tổ chức ngắn gọn hơn, sáng sớm, cỗ tế thần sẽ được dâng lên để tế. Lễ tế được các cụ tiến hành trọng thể cùng với sự tham gia của dân làng. Tế xong, trâu và cỗ được đem chia cho các vị chức sắc và dân làng tham dự ở đó.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Lễ bánh tại Đền Cờn

Nằm trong các hoạt động tế tự trong dịp tết còn có lễ tế bánh được tổ chức vào ngày mồng 7, là ngày hạ cây nêu, đồng thời theo thần tích thì đó là ngày hóa của các vị thánh. Các cụ già trong trang phục truyền thống, khăn xếp áo the trang trọng, hai bên là hàng nữ quan trong trang phục áo dài, đầu đội khăn, cùng thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống. Lễ tế bánh truyền thống hằng năm nhằm cảm tạ trời đất, chư vị thần linh và các bậc cao nhân tiên hiền có công với dân với nước, cầu nguyện cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ca ngợi sự linh thiêng của Đền Cờn, cũng như phong cảnh, vẻ đẹp con người Phương Cần xưa, nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, hoạt động này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đền Cờn nói chung và lễ tế bánh chưng, bánh dày nói riêng. Sau lễ tế của nhà đền, số bánh này được chia làm hai phần, một phần biếu các vị quan viên, một phần để phân phát cho dân các giáp.

Anh-tin-bai

Đua thuyền ngày mồng 2 Tết

Như vậy, bắt đầu từ tết Nguyên đán, các hoạt động tế tự luôn diễn ra thường xuyên ở đền Cờn, từ tế trầu đến tế Tam sinh, tế bánh chay. Bên cạnh đó các hoạt động đua thuyền, rước thuyền trong ngày chính lễ cũng góp phần làm sôi động thêm không khí lễ hội. Sự cẩn trọng, nghiêm túc trong việc chuẩn bị lễ vật cũng như tổ chức tế tự đã thể hiện sự thành kính của người dân nơi đây đối với các vị thần linh.

Thanh Thủy
THÔNG BÁO
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
Đăng nhập
mage banner
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ HOÀNG MAI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Anh Văn, UVBTV - Phó Chủ tịch UBND
Trụ sở: Khối Sỹ Tân - Phường Quỳnh Dị - Thị xã Hoàng Mai
Điện thoại: 02383.666.456. Fax: 0383.666.456