Sản suất vật liệu xây dựng của Công ty Thanh Xuân
góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương
Trải qua không ít khó khăn, thất bại để đi đến thành công, câu chuyện vào đời của người đảng viên, doanh nghiệp Vũ Đức Tượng cũng khá đặc biệt. Tháng 4/1978, khi đang học lớp 9/10, trường cấp 3 Quỳnh Lưu 2, được Ban Chỉ huy quân sự địa phương kêu gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, trúng tuyển, người thanh niên trẻ Vũ Đức Tượng đã hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia bảo vệ tổ quốc. Năm 1981, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương công tác, ông lại tiếp tục tham gia phong trào đoàn thể, làm xã đội phó, kiêm cán bộ chính sách, ủy viên ủy ban xã. Trong điều kiện xã Quỳnh Xuân lúc bấy giờ, đa phần người dân sống bằng nghề trồng lúa, lao động nông nhàn nhiều, làm không đủ ăn, nhiều gia đình con cái không được học hành, không có công ăn việc làm. Làm gì để cải thiện cuộc sống cho gia đình, cho bà con lối xóm là điều ông mong muốn phải làm cho bằng được.
Trách nhiệm là người đảng viên, người cán bộ xã, ông trăn trở, suy nghĩ, phải tìm hướng làm ăn kinh tế vì cuộc sống gia đình mình, cũng là nêu gương vượt khó để nhân dân học tập làm theo, chiến thắng cái khó, cái nghèo xây dựng địa phương. Việc đầu tiên ông thử sức mình lúc đó là một thân, một mình ra tận xã Hải Hậu, thuộc tỉnh Ninh Bình học nghề làm vôi. Có những hiểu biết cơ bản về nghề này, ông trở về vay vốn, xây dựng lò vôi liên hoàn, với lợi thế núi đá có sẵn của địa phương, vật liệu xây dựng như xi măng đang còn khan hiếm, nên nghề đốt vôi trở nên hiệu quả, lợi nhuận về kinh tế và giải quyết cho hàng chục lao động nông nhàn tại địa phương. Từ mô hình ban đầu của ông, sau 1 năm quanh khu mỏ Lèn Chùa của xã Quỳnh Xuân lúc đó đã mọc lên thêm khoảng 30 lò vôi của các hộ gia đình khác, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động có việc làm. Nguyên liệu vôi sản xuất ra nhiều, đòi hỏi các phương tiện chuyên chở. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã đầu tư phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu đi các địa phương trong và ngoài tỉnh. Có thể nói, từ hướng đi ban đầu của ông, một hướng phát triển kinh tế mới của Quỳnh Xuân cũng bắt đầu, để đến nay, Quỳnh Xuân là một trong các địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất của thị xã Hoàng Mai.
Năm 2000, khi nghề đốt vôi trở nên phổ biến, ông lại nghĩ phải thay thế việc đốt lò vôi bằng một cách thức sản xuất khác. Nhiều đêm đau đầu, trăn trở suy nghĩ, ý tưởng mới lại đến, ông nhận ra rằng, hiện tại nhu cầu lớn về cung cấp vật liệu cho các công trình hạ tầng của các địa phương như làm đường, trường học, các công sở. Vì vậy, nhu cầu đá nguyên liệu đặt ra ngày càng nhiều, nhưng nguồn cung ứng lại còn rất hạn hẹp. Nhận được sự ủng hộ của gia đình, ông đã mạnh dạn với bước đi tiếp theo đó là xây dựng mô hình khai thác và chế biến đá, vật liệu xây dựng. Khó khăn đặt ra cho ông đó là muốn làm được điều này thì phải cần vốn lớn để đầu tư thiết bị, máy móc, trong khi tài sản đất đai của bản thân không thể đáp ứng nổi; kêu gọi bạn bè góp vốn làm ăn thì ai cũng ngần ngại. Năm 2005, ông đã bàn với gia đình và kiên trì vận động thêm một số người bạn và cuối cùng cũng đã có 4-5 người bạn đồng ý góp vốn, nhưng nguồn vốn chủ yếu vẫn là từ anh em gia đình ông, thậm chí ông phải thế chấp bìa đỏ chính ngôi nhà đang ở, là tài sản ông cha để lại để đầu tư sản xuất, xem như đánh cược trong làm ăn để mua dây chuyền nghiền đá, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Thành quả không phụ mồ hôi, nước mắt và sự nỗ lực của ông, dây chuyền sản xuất đá đã phát huy hiệu quả, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 5-6 trăm khối đá các loại, tạo công ăn việc làm cho trên 20 người, với công lao động 4 - 5 triệu đồng/tháng, thời điểm lúc bấy giờ đó là công lao động cao. Thành công từ bước đi ban đầu, trừ chi phí lãi suất vay vốn ngân hàng, trả công lao động, chỉ sau 3 năm ông đã thu hồi vốn. Cũng chỉ sau 1 năm, mô hình của ông được nhân rộng với trên 30 dàn chế biến đá các loại. Không những Quỳnh Xuân mà mô hình này còn nhân rộng ra các xã, huyện bạn, tỉnh bạn. Từ mô hình này, đã giải quyết cho hàng ngàn lao động của địa phương, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế lúc bấy giờ, đem lại một nghề mới cho xã Quỳnh Xuân (nay là phường Quỳnh Xuân) đó là ngành nghề sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng và kéo theo nghề vận tải của địa phương phát triển. Hiện nay, phường Quỳnh Xuân đã có trên 200 chiếc xe ô tô vận tải lớn nhỏ chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng. Góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ giàu ở Quỳnh Xuân bắt đầu cũng từ những ngành, nghề này. Gia đình ông từ trong điều kiện hộ khó khăn vươn lên thành hộ giàu của địa phương. Từ những mô hình này, không chỉ gia đình ông trở thành khá giả mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn cũng trở thành những gia đình giàu, trở thành ông chủ với mấy chục công nhân làm công. Cũng từ đây, phường Quỳnh Xuân trở thành điểm sáng về kinh tế hộ gia đình, phường giàu, cùng với sự đi lên của thị xã, Quỳnh Xuân đã và đang từng ngày đổi mới.
Hiện nay, việc sản xuất kinh doanh của ông vẫn đang trên đà phát triển, đã gần 60 tuổi, ông vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, ông lại tiếp tục thử sức mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Đó là nuôi trồng thủy sản. Ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng chuyển đổi, nhận đất 64 của gần 30 hộ dân trong vùng Trũng - đất nhiễm mặn, hầu như không sản xuất được, với diện tích 4ha, để nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm đầu thất bại hàng tỷ đồng. Nhưng ông đã kịp chuyển hướng kinh doanh, vừa đầu tư nuôi tôm, vừa đầu tư trạm điện, thức ăn nuôi tôm phục vụ cho hàng trăm hộ dân trong vùng; liên kết với công ty Hải Tuấn để nuôi tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống. Đến nay, mô hình nuôi tôm bố mẹ đang từng bước thành công, sử dụng hàng trăm lao động, với đồng lương ổn định từ 10 - 20 triệu đồng. Riêng mô hình nuôi tôm, bán nguyên liệu và tôm giống đã mang lại thu nhập cho ông trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Tiếp xúc với ông, điều chúng tôi ấn tượng nhất là con người với dáng vẻ chất phác, dễ gần. Trao đổi với chúng tôi, ông tâm sự hết những nỗi niềm từ đáy lòng với những trải nghiệm chìm nổi của cuộc đời, sự thành công của ông hôm nay, bắt đầu từ những vấp ngã tưởng không đứng lên được, nhưng ông đã cố vượt qua, ngoài nỗ lực bản thân, ông còn có sự giúp đỡ của gia đình, của những người bạn. Năm 2009, để chuyên tâm với công việc kinh doanh, ông đã xin nghỉ công tác. Bài học ông rút ra được trong cuộc sống, đó là sự kiên trì, nhẫn nại, bản thân mình phải tự xông vào công việc, tự tìm tòi, khắc phục những giây phút yếu lòng, sáng tạo trong hướng đi, thắng không kiêu, bại không nản, để có được thành quả như ngày hôm nay.
Ngoài phát triển kinh tế hộ gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Có một việc khiến ông luôn trăn trở suy nghĩ đó là làm đường giao thông nội khối. Con đường cũ đã quá xuống cấp, lầy lội, việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão và ngày mùa. Những năm trước, trong cuộc họp chi bộ, đã nhiều lần ông tham gia ý kiến đề nghị các cán bộ hưu trí tham gia đóng góp làm đường. Ông nghĩ, mình phải là người chủ động để vận động nhân dân, không nên chỉ trông chờ vào tiền Nhà nước, làm sớm được ngày nào thì bà con trong thôn, trong đó có những người trong gia đình ông sẽ được hưởng lợi ngày đó, nhân dân sẽ không phải đi qua đoạn đường lầy lội mà thay vào đó là con đường đã được bê tông sạch đẹp. Và thế là ông đã tự nguyện đóng góp kinh phí, nguyên vật liệu trị giá hàng trăm triệu đồng để hoàn thành con đường, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc mới cho mọi người. Không những thế, ông còn đóng góp kinh phí hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình của địa phương như Nhà truyền thống, Trường học, Trạm y tế. Bên cạnh đó, ông Tượng và những người thân trong gia đình còn rất tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện do khối, phường phát động.
Ở độ tuổi của ông, ở quê, như nhiều người khác là chuyên tâm vui vầy với con cháu nhưng ở ông, sức sống và tâm huyết với công tác xã hội vẫn còn mạnh mẽ. Hiện nay, ông đang là phó chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thị xã Hoàng Mai; chủ tịch hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của phường Quỳnh Xuân. Mỗi năm, doanh nghiệp Thanh Xuân do ông làm giám đốc nạp thuế cho nhà nước trên 3 tỷ đồng. Ông đã được nhận nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, của ngành thuế; chiến sỹ thi đua hội cựu chiến binh. Các cuộc vận động đóng góp nhân đạo, từ thiện của phường, của thị xã, ông luôn là một trong những người tiên phong đi đầu. Tâm sự về nguyện ước của mình, ông cho biết, ông vẫn còn nhiều ý tưởng lớn đang triển khai thực hiện, muốn làm rất nhiều việc nữa cho gia đình và xã hội.
Anh Nguyễn