Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là yêu cầu tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Những năm qua, bằng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, sự nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) ở thị xã Hoàng Mai có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Canh cánh nỗi lo… “rớt chuẩn”
Vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe theo quy định để được công nhận đạt CQG đã khó, nỗ lực giữ vững danh hiệu còn khó hơn! Đặc biệt khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều trường đạt CQG ở thị xã Hoàng Mai đang đứng trước nỗi lo “rớt chuẩn” khi yêu cầu về tiêu chí trường chuẩn ngày càng cao, nhất là việc tái công nhận và nâng chuẩn lên mức độ 2. Tính đến tháng 6/2023, toàn thị xã có 14 trường quá hạn công nhận lại, trong đó có 02 trường đã quá hạn 17 năm là là THCS Quỳnh Xuân và Mầm non Quỳnh Liên, 01 trường quá hạn 13 năm là THCS Quỳnh Liên và trường Mầm non Quỳnh Xuân quá hạn 11 năm. Những trường còn lại đều quá hạn 02 năm. Đây là bài toán khó của ngành giáo dục nói riêng và thị xã Hoàng Mai nói chung bởi hàng năm, nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng trường CQG chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Trường THCS Quỳnh Liên đang nỗ lực để được công nhận lại đạt chuẩn mức độ 1 vào cuối năm 2023
Trường THCS Quỳnh Liên được công nhận đạt CQG mức độ 1 vào năm 2010. Là địa phương nằm ở vùng bãi ngang, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường học trong nhiều năm qua rất hạn chế. Theo Điều 38 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT có nêu, Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có giá trị 05 năm. Mặc dù chính quyền các cấp và tập thể nhà trường đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất không phù hợp so với quy định chuẩn về diện tích đất/học sinh, phòng chức năng, trang thiết bị… và buộc phải cải tạo lại, đòi hỏi số vốn đầu tư lớn. Có thời điểm số lượng học sinh tăng cao nên nhà trường buộc phải “phá chuẩn” mới có đủ chỗ cho học sinh vào học. Bên cạnh đó, giáo viên của các trường còn thiếu theo quy định giảng dạy tại trường đạt chuẩn. Vì vậy việc xây dựng trường đạt chuẩn đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó hơn.

Dãy nhà 3 tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện
Sau 13 năm kể từ khi được công nhận đạt CQG mức độ 1, trước thực tế dãy nhà điều hành được xây dựng cách đây hàng chục năm đã xuống cấp, thiếu các phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ đã khiến hoạt động giáo dục của trường gặp nhiều trở ngại. Năm học 2023-2024, trường có trường có 30 cán bộ, giáo viên và nhân viên, 622 học sinh. Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa, năm học này nhà trường đã được thị xã và chính quyền địa phương đầu tư xây mới dãy nhà ba tầng, năng tổng số phòng học lên 15 phòng và sửa chữa, nâng cấp 8 phòng chức năng, phòng điều hành, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ được công nhận lại đạt CQG mức độ 1.
Cần quyết tâm của ngành và cả hệ thống chính trị
Thực tế cho thấy, để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia bảo đảm tiến độ, hiệu quả, các địa phương và ngành giáo dục cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bổ sung biên chế giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ theo yêu cầu. Đặc biệt là có sự quyết tâm, chung tay vào cuộc không chỉ của riêng ngành giáo dục mà của cả hệ thống chính trị.
Những năm qua, mạng lưới trường lớp phát triển mạnh mẽ. Trong toàn thị xã có 40 trường công lập, trong đó 12 trường mầm non; 16 trường Tiểu học; 10 trường THCS với 201 lớp; 02 trường THPT với 56 lớp. Hệ thống trường lớp các cấp học tiếp tục ổn định, quy mô phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển giáo dục của địa phương. Các địa phương đã quy hoạch diện tích, khuôn viên cho các nhà trường cơ bản đủ theo quy định diện tích tối thiểu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Trong 10 năm từ 2013- 2023, thị xã đã đầu tư xây dựng mới 546 phòng học, đưa vào sử dụng 447 phòng học, 13 nhà đa chức năng và 07 nhà đa chức năng thực hiện thêm chức năng bán trú; đang xây dựng 59 phòng học.
Trường mầm non Quỳnh Phương A đang được đầu tư xây dựng dự kiến được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 lần đầu vào cuối năm 2023
Đến nay, thị xã có 30/40 trường chuẩn quốc gia ở đạt tỷ lệ 75%. Qua kiểm tra thực tế tại các trường học và lãnh đạo sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Nghệ An đã khảo sát và tư vấn đề xuất xây dựng để công nhận đạt chuẩn lần đầu tại 04 trường: TH Quỳnh Lập A, TH Mai Hùng, THCS Quỳnh Vinh, MN Quỳnh Phương A; thời gian công nhận tháng 9 đến tháng 11 năm 2023. Dự kiến nâng tổng số trường chuẩn năm 2023 lên 34/40 trường, đạt tỷ lệ 85%.
Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trong thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh ra lớp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thị xã Hoàng Mai. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tỷ lệ trường đạt chuẩn 85- 90. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm xây dựng 2 đến 4 trường đạt chuẩn Quốc gia, ngành GD-ĐT thị xã đã đề ra nhiều giải pháp, đưa ra lộ trình cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, định hướng và giải pháp thực hiện đối với từng đơn vị trường học.
Trước hết, làm tốt công tác tuyên truyền đến mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, từ đó tạo sự đồng thuận, mọi người tin tưởng và tích cực, tự giác tham gia đóng góp xây dựng giáo dục phát triển.
Xác định việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do đó phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quan tâm đầu tư kinh phí để xây mới, sửa chữa, nâng cấp trường lớp. Đồng thời có sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn xã hội, sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh các nhà trường trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt những tiêu chí khó đạt và vướng mắc tại các trường. Xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục, mạng lưới trường học, dự báo số học sinh hàng năm tính đến 5-10 năm, nhu cầu phòng học của các trườngtrên địa bàn để có sự tham mưu sát, kịp thời đồng bộ từ địa phương đến thị xã. Để có chiến lược xây dựng cơ sở vật chất trường học lâu dài.
Hằng năm xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên ở 3 cấp học vì hiện nay giáo viên đứng lớp thiếu nhiều.
Trường THCS Quỳnh Liên khai giảng năm học mới 2023- 2024. Ảnh: Mạnh Hùng
Việc đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” trong các nhà trường. Cùng với việc huy động các nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT thị xã đang tăng cường các giải pháp, phát huy nội lực của các đơn vị trường trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục. Tin tưởng rằng, với những nỗ lực đó, ngành giáo dục của thị xã sẽ đạt được những thành tựu xứng đáng với mong ước của bao thế hệ thầy - trò trên vùng đất hiếu học này.