image banner
Hoàng Mai: Nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW

Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua (Nghị quyết số 29). Sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của thị xã Hoàng Mai đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương.

Anh-tin-bai
Học sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 tại trường THPT Hoàng Mai 2

Thị xã Hoàng Mai là đô thị trẻ nơi địa đầu xứ Nghệ, được thành lập năm 2013 trên cơ sở chia tách địa giới hành chính từ huyện Quỳnh Lưu. Là đô thị, nhưng điểm xuất phát thấp, những ngày đầu mới thành lập, Hoàng Mai là địa phương gặp vô vàn khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Đặc biệt trận lũ lịch sử tháng 10/2013 đã khiến địa phương rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, phát huy sức mạnh nội lực, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, thị xã Hoàng Mai đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một địa phương có nền Giáo dục và Đào tạo phát triển chưa mạnh, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, đến nay mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, củng cố, rà soát, điều chỉnh, sáp nhập, dồn ghép theo từng năm học để phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. 
Ngày 04/11/2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29). Ngay sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, Thị ủy Hoàng Mai đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động; nghiêm túc chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản để thực hiện tại địa phương; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với cơ sở. Do đó các nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW đã kịp thời được triển khai thực hiện, các nhiệm vụ khó từng bước được tháo gỡ; nhiều mục tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra; các nội dung quan trọng được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Ban Thường vụ Thị uỷ đã tổ chức 01 lớp học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trong đó bao gồm Nghị quyết số 29-NQ/TW vào ngày 21/01/2014 cho gần 200 đồng chí là cán bộ chủ chốt thị xã và cơ sở. Sau quán triệt, Ban Thường vụ Thị ủy ban hành 03 văn bản, HĐND thị xã ban hành 02 văn bản và UBND thị xã ban hành 09 văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn thị xã quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và sự chăm lo của Nhân dân, ngành giáo dục thị xã Hoàng Mai đã tích cực phấn đấu, thực hiện các phong trào thi đua sôi nổi và đạt nhiều thành tích đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI. Ngành giáo dục thị xã không ngừng nỗ lực, tăng cường các giải pháp củng cố, nâng cao đảm bảo bền vững về chất lượng giáo dục. Trong toàn thị xã có 42 trường, trong đó 12 trường mầm non công lập, 02 trường tư thục và 19 nhóm trẻ giáo dục mầm non ngoài công lập với 325 nhóm, lớp; 10 trường THCS với 201 lớp; 02 trường THPT với 56 lớp. Có 09 trung tâm Anh ngữ, 04 trung tâm kỹ năng sống. Hệ thống trường lớp các cấp học tiếp tục ổn định, quy mô phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển giáo dục của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Thị ủy, UBND thị xã; Ngành Giáo dục Hoàng Mai đã có những chuyển biến tích cực. Đối với cấp học Mầm non, thực hiện chương trình giáo dục mầm non gắn với điều kiện thực tiễn tại địa phương; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; chú trọng giáo dục phát triển hành vi, thói quen tốt cho trẻ; áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm”. Nhờ đó,14/14 trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn bán trú. 100% nhóm, lớp học 02 buổi/ngày và thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, đánh giá trẻ theo quy định. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ không ngừng được cải thiện.Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân năm học sau giảm hơn so với năm học trước, hiện nay chỉ còn 2,13%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ngày càng giảm, còn 2,43%. 100% các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ, không có dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm và tai nạn thương tích xảy ra. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non về nội dung cho trẻ làm quen với tin học, tiếp cận công nghệ số, làm quen tiếng Anh được thực hiện hiệu quả.

Anh-tin-bai

Học sinh trường mầm non Quỳnh Lộc trong tiết học múa

Đối với cấp tiểu học, chất lượng giáo dục bậc Tiểu học trên địa bàn thị xã được cải thiện toàn diện trên các mặt, các chỉ số đều tăng so với năm 2013. Đã thực hiện đồng bộ chương trình giáo dục tiểu học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý học sinh tiểu học. Các trường đã tổ chức dạy 02 buổi/ngày, học sinh được rèn luyện, thực hành, làm bài tập ngay tại lớp, giảm áp lực phải học thêm, học bài tại nhà.Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học ngày càng cao (năm học 2013-2014 là 93,54%, đến năm học 2021-2022 đã tăng lên 99,95%). 16/16 trường tổ chức dạy môn Tin học, đạt tỷ lệ 100%; 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học tiếng Anh.

Anh-tin-bai

Học sinh trường Tiểu học Quỳnh Lập A sinh hoạt giữa giờ

Đối với cấp Trung học cơ sở, đã thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; triển khai việc tổ chức và quản lý sinh hoạt chuyên môn trên “Trường học kết nối”.Đổi mới hình thức dạy học, bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh. Chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tăng cường tổ chức học tập, làm việc nhóm; khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học. Đa dạng hóa các hình thức học tập, tạo cơ hội để học sinh tham gia các cuộc thi thi tiếng Anh, Vật lý, Toán học trên internet, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật... Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt ngày càng tăng (năm học 2013-2014 là 69,4%, năm học 2022-2023 tăng lên 83,06%). Năm học 2022-2023, có 305 học sinh đạt giải, trong đó có 12 giải nhất, 20 giải nhì, 86 giải ba, 187 giải khuyến khích trong cuộc thi Olympic lớp 8 cấp thị xã; có 01 giải Nhì, 05 giải Ba, 21 giải khuyến khích trong kì thi HSG lớp 9 cấp tỉnh, xếp thứ 12/16 của tỉnh; có 22 dự án đạt giải cấp thị xã, cấp tỉnh có 02/04 dự án tham gia đạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật.

Anh-tin-bai

Giờ học môn Sinh học của học sinh Trường THCS Quỳnh Trang

Đối với bậc THPT:  Số giải khi tham gia các cuộc thi Văn hóa, Thể thao, KHKT các năm học gần đây đều tăng và duy trì ổn định, khối THPT có những bước đột phá, tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong các kì thi HSG tỉnh và Tốt nghiệp, xét tuyển ĐH. Việc xếp loại, đánh giá học sinh bảo đảm thực chất hơn.
Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm.Thường xuyên vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng trường lớp và các hoạt động giáo dục; hình thành các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi. Trong 10 năm đã huy động được hơn 150 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia và hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn tới trường. Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước.
Công tác xây dựng Trường chuẩn quốc gia (viết tắt là CQG), kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) được cấp ủy chỉ đạo kịp thời, ưu tiên nguồn lực gắn liền với các Đề án Trường CQG, trường bán trú trong toàn thị xã một cách đồng bộ tổng thể. Đến nay thị xã có 30/40 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 10 trường so với năm 2014, đạt tỷ lệ 75%.Quy mô giáo dục được mở rộng, thành lập mới 01 trường THPT công lập và 02 trường mầm non tư thục, 19 nhóm lớp tư thục độc lập, 09 trung tâm ngoại ngữ (tiếng Anh) và 04 Trung tâm giáo dục kỹ năng sống. Đầu tư xây dựng mới 546 phòng học, đưa vào sử dụng 447 phòng học, 13 nhà đa chức năng và 07 nhà đa chức năng thực hiện thêm chức năng bán trú; đang xây dựng 59 phòng học. 

 

Anh-tin-bai

Trường Tiểu học Quỳnh Liên đang gấp rút xây dựng để đi vào hoạt động đầu năm học 2023- 2024, đạt chuẩn mức độ 2

Hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập từng bước được hoàn thiện. Việc xây dựng xã hội học tập được quan tâm thường xuyên. Ban Tuyên giáo Thị ủy, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thị xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng xã hội học tập, xây dựng các mô hình học tập phù hợp để thực hiện mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Qua đó, làm cho các dòng họ, các gia đình cũng như mỗi cá nhân hiểu rõ về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xã hội học tập và tham gia học tập thường xuyên góp phần xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Toàn thị xã có 10 Trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 100%). Các trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức được các lớp dạy nghề lao động nông thôn, như: Chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng dân dụng, may mặc, thuyền trưởng... góp phần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống. Thị xã được công nhận duy trì đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi (10/10 xã, phường, đạt tỷ lệ 100%); 10/10 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục(PCGD) tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.

Anh-tin-bai

Quỹ Búp Sen Xanh trao 90 triệu đồng và 1000 quyển sách cho trường THCS Mai Hùng

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy học được quan tâm chú trọng; kỹ năng khai thác, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy học tại các nhà trường được nâng lên. UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Tổ chức các hoạt động phát triển năng lực học sinh, như: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn. Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN trong dạy học và quản lý giáo dục được tăng cường. 100% các trường học trên địa bàn thị xã đã sử dụng hệ thống quản lý trường học vnEdu, triển khai hệ thống học và thi trực tuyến LMS, trang bị máy tính kết nối Internet, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.Việc xây dựng sáng kiến kinh nghiệm trong đội ngũ cán bộ, giáo viên đã từng bước đi vào thực chất, có chất lượng và tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ của ngành. Trong 10 năm qua đã có 875 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 05 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh được vận dụng vào quá trình giảng dạy.
UBND thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tập trung đổi mới phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá người học nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các cấp học. Công tác thi, kiểm tra được thực hiện theo hướng đảm bảo tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực học sinh và không để xảy ra hiện tượng tiêu cực. Vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá, thực hiện đổi mới khâu ra đề kiểm tra đặc biệt là ở các môn khoa học xã hội, chú trọng hệ thống câu hỏi mở để phát huy năng lực và sự sáng tạo của học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã tham mưu, thực hiện tốt công tác xét hoàn thành chương trình Tiểu học, tốt nghiệp THCS; tổ chức kiểm tra học kỳ, tuyển sinh đầu cấp, thi học sinh giỏi các cấp... bảo đảm theo kế hoạch, an toàn, đúng quy chế. Chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát và bàn giao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục.Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học.

Anh-tin-bai

Đổi mới phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá người học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Công tác quản lý giáo dục, đào tạo bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng được đổi mới. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2013, thị xã có 907 giáo viên biên chế. Đến nay, toàn ngành có 1.189 giáo viên; tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo của từng cấp học không ngừng được nâng lên. Việc tuyển dụng, luân chuyển, thuyên chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, công khai và hợp lý, cơ bản giải quyết việc thiếu giáo viên, nhân viên ở các trường học và yêu cầu đổi mới chất lượng giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, của Tỉnh và thị xã đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Trong 10 năm qua, UBND thị xã luôn quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia đầy đủ các lớp chuyên đề, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, bồi dưỡng chính trị do Bộ và Sở Giáo dục & Đào tạo và thị xã tổ chức. Giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. 87/90 (chiếm 96,7%) giáo viên tiểu học và THCS được cấp chứng chỉ B1 trở lên. 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn đào tạo và có trình độ trung cấp chính trị trở lên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được quan tâm. Hằng năm, 100% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đều đăng ký học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề từng năm. 

Có thể khẳng định, trong chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, TX Hoàng Mai đã đổi mới căn bản và toàn diện công tác GD&ĐT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn thị xã vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cơ sở vật chất nhiều nhà trường còn thiếu thốn, chưa đáp ứng theoyêu cầu, nhất là so với các quy định mới của Trung ương. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ tại địa phương. Việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vai trò quản lý nhà nước, phối hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng trường lớp, dự báo tăng dân số gắn với sự phát triển giáo dục còn hạn chế.Hiệu quả, tỷ lệ phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn bất cập.Việc hợp tác liên doanh, liên kết đào tạo quốc tế trong giáo dục phổ thông, nhất là đào tạo, dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp hiệu quả chưa cao.Chất lượng giáo dục toàn diện ở một số nơi, trong đó có cơ sở giáo dục tư thục còn thấp. Đặc biệt là việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục còn một số vấn đề chưa sát với tình hình.
Chặng đường tới, để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, ngành Giáo dục thị xã Hoàng Mai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với giáo dục và đào tạo. Tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu được sự cần thiết, ý nghĩa của đổi mới giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tăng cường phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường học. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm, thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dụctrên địa bàn. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên đúng theo chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực tiễn. Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được học tập nâng cao trình độ. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp trên địa bàn đảm bảo khoa học, hợp lý. Quản lý chặt chẽ việc thành lập các trường tư thục, các lớp mẫu giáo và nhóm trẻ độc lập theo hướng đảm bảo yêu cầu về chất lượng và các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đặc biệt là các trường mầm non tư thục, trung tâm ngoại ngữ, tin học; khuyến khích hình thành các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi.Tổ chức hướng nghiệp phân luồng có hiệu quả. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề. Tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong hoạt động đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học và trang thiết bị theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá.
 

Thanh Thủy
THÔNG BÁO
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
Đăng nhập
mage banner
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ HOÀNG MAI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Anh Văn, UVBTV - Phó Chủ tịch UBND
Trụ sở: Khối Sỹ Tân - Phường Quỳnh Dị - Thị xã Hoàng Mai
Điện thoại: 02383.666.456. Fax: 0383.666.456