Bà Trần Thị Thơ đóng gói sản phẩm nước mắm phục vụ thị trường Tết
Dịp tết Nguyên đán này, cơ sở chế biến nước mắm, mắm tôm gia truyền Xân Thơ của bà Trần Thị Thơ ở làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi, phường Quỳnh Dị đóng chai hơn 1.200 lít nước mắm, 200 kg mắm tôm, trị giá gần 200 triệu đồng cung cấp cho khách đặt hàng trong và ngoài tỉnh lấy tiêu dùng và bán trong dịp Tết. Đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm không chỉ đối với cơ sở sản xuất của bà mà còn của làng nghề, bởi nhu cầu của thị trường khá lớn. Bà Thơ cho biết “Được thừa hưởng nghề từ ông cha truyền lại, gia đình luôn tâm niệm, người ta ăn cũng như mình ăn, nên nguyên liệu làm nước mắm, mắm tôm do ngư dân địa phương đánh bắt về được lựa chọn kỹ lưỡng từ năm trước, đang tươi nguyên và không ướp đá. Áp dụng phương pháp chế biến theo bí quyết gia truyền, đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên nước mắm, mắm tôm thành phẩm có mùi thơm ngào ngạt, độ đạm cao, đạm đà, vị ngọt bùi dễ chịu, được khách hàng ưu chuộng”.
Hiện nay, làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi có tổng số hơn 140 hộ làm nghề với trên 400 cơ sở sản xuất, chuyên chế biến nước mắm, mắm tôm, phơi khô, hấp sấy cá, chế biến hải sản đông lạnh. Sản lượng nước mắm đạt trên 2 triệu lít/năm, mắm tôm đạt trên 400 tấn/năm, cá hấp sấy, phơi khô đạt trên 1.100 tấn/năm, hải sản đông lạnh đạt trên 300 tấn/năm. Riêng dịp tết Nguyên đán này, dự kiến bà con làng nghề Phú Lợi sẽ cung cấp cho thị trường khoảng hơn 70.000 lít nước mắm, 100 tấn mắm tôm, ngoài ra còn có các sản phẩm phơi khô, hấp sấy và đông lạnh khác.
Cùng với làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi, phường Quỳnh Dị, phường Quỳnh Phương hiện có 625 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt khoảng 15.000 tấn hải sản mỗi năm, là nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển nghề chế biến hải sản ở làng nghề Phương Cần. Hiện nay, làng nghề có hơn 480 hộ, trong đó có gần 270 hộ tham gia làm nghề (75 hộ chuyên chế biến nước mắm với sản lượng trên 300.000 lít/năm, 50 hộ chuyên sản xuất mắm tôm sản lượng 350 tấn/năm, 50 hộ chuyên phơi sấy cá với 300 tấn/năm và 25 hộ đầu tư kho đông lạnh với lượng cá lưu chuyển qua kho khoảng 3.000 tấn/năm). Sản phẩm được tiêu thụ ở khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc và xuất sang cả thị trường nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào... cho giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để phục vụ thị trường tết, bà con làng nghề chế biến hải sản Phương Cần, phường Quỳnh Phương cũng tích cực chuẩn bị nguồn hàng, nhiều cơ sở chế biến đã phải thuê thêm 3 - 4 nhân công mỗi ngày để làm công đoạn đóng nước mắm, mắm tôm vào chai, hoàn thiện các bao bì sản phẩm, cung cấp kịp thời cho khách hàng và thị trường.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, uy tín với khách hàng. Hàng năm, Ban quản lý các làng nghề đã tích cực phối hợp với địa phương, các ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật chế biến, các quy định, quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP; khám sức khoẻ cho nghệ nhân và bà con làm nghề; hướng dẫn xây dựng mặt bằng chế biến sạch; đăng ký nhãn hiệu và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Đức Xân - Trưởng Ban quản lý làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi cho biết: “Các sản phẩm chế biến hải sản của làng nghề luôn được khách hàng ưa chuộng, đặt mua thường xuyên trong năm. Và đặc biệt, Tết năm nay, bà con làng nghề lại càng phấn khởi hơn khi lượng hàng đặt mua càng nhiều; đời sống vật chất tinh thần của bà con làm nghề và số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách, chúng tôi đang khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, xây dựng các hình thức kinh tế tập thể, nhằm tạo điều kiện đảm bảo ổn định đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sản xuất”. Tin rằng với việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, thương hiệu nước mắm các làng nghề trên địa bàn thị xã sẽ ngày càng vươn xa hơn và cạnh tranh tốt với nước mắm công nghiệp trên thị trường.
Đăng Tài
PCT Hội Nông dân thị xã