Cuộc chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” hơn 50 năm trước đã trở thành ký ức không thể nào quên với những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu giữ từng tấc đất nơi đây. Chúng tôi tìm gặp Trung tá Lê Thế Phổ (Tiểu đoàn 4,Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị) vào một buổi chiều nắng như đổ lửa đúng ngày kỉ niệm Thương binh- Liệt sĩ 27/7. Trên khuôn của người cựu binh già, những kí ức, nỗi đau như quyện vào nhau nghẹn buốt trong từng lời tâm sự của ông…
Cựu binh Lê Thế Phổ xúc động kể về cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972
Năm 1967, tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Lê Thế Phổ, khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai ( Nghệ An) xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đội đặc công của tỉnh Nghệ An, tham gia huấn luyện để chuẩn bị cho cuộc hành quân vào chiến trường B. Thời điểm đó, cuộc chiến bắt đầu leo thang. Lê Thế Phổ được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95. Đúng ngày 13/7/1972, Trung đoàn 95 khu vực phía Bắc là đơn vị đầu tiên được nhận lệnh, hành quân ngày đêm vượt Trường Sơn vào Quảng Trị tham gia trực tiếp chiến đấu cùng với các sư đoàn khác để bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Trung đoàn 95 tham gia chiến đấu đến 66 ngày đêm. Trong đó, lực lượng chủ yếu của đơn vị là thanh niên có tuổi đời từ 18 đến 20.
Thành Cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 được ví như “chảo lửa”. Trên diện tích 3 km2 của Thành Cổ, Mỹ đã ném xuống hơn 328.000 tấn bom, đạn, bình quân mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom đạn, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945 trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Trên trời, máy bay địch trinh sát suốt ngày, máy bay phản lực, B52 liên tục trút bom đạn. Dưới đất, pháo từ Hạm đội 7, pháo mặt đất của địch cày nát chiến trường nhằm ngăn chặn lực lượng Quân giải phóng miền Nam từ phía Bắc sông Thạch Hãn. Cả một vùng rộng lớn không còn một bóng cây, ngọn cỏ do vũ khí và chất độc hóa học đốt cháy. Ngày nào địch cũng mở đợt tấn công nhằm đột phá mở cửa chiếm lại thị xã.

Pháo 130mm của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Internet
Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, đánh chắc, tiến chắc, Trung đoàn 95 đã tập trung xây dựng trận địa phòng ngự tại thị xã Quảng Trị và các vùng phụ cận đánh địch lấn chiếm bảo vệ Thành Cổ. Vào tháng 7, tháng 8 năm 1972, lúc này tuyến phòng ngự giữ Thành cổ thật sự khó khăn cả về môi trường tác chiến lẫn lực lượng, phương tiện... Ta và địch ở thế giằng co giành nhau từng mét đất, ban ngày địch lấn vào, ban đêm ta tập kích đẩy địch ra, có lúc hai bên chỉ cách nhau năm đến bảy mét. Do hỏa lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9 cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành Cổ. Thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khoẻ giảm sút, thương vong rất lớn có ngày trên 100 người. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn vào 18 giờ, ngày 16/9/1972.

Ông Lê Thế Phổ bùi ngùi lật dở lại từng tấm ảnh cũ
Trong giọng kể bùi ngùi, ông Lê Thế Phổ nhớ lại đêm cuối cùng trước khi rút khỏi thành cổ. Đại đội của ông nhận được lệnh tiến đánh Tháp nước- nơi địch biến thành đài quan sát. Chỉ còn lại 9 người, dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, các chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nhưng do lực lượng của địch quá đông và trang bị nhiều vũ khí, đại đội nhận được lệnh phải rút lui. Ông Lê Thế Phổ trúng đạn gãy chân, được đồng đội dìu bơi qua sông bằng xuồng cao su. 4 đồng đội còn lại ngồi trên bè mảng được kết bằng thân cây, 2 thương binh nằm trên bè, 2 người lành lặn chèo dưới làn đạn của địch. Nhưng pháo địch nã đạn xối xả ngay trước mắt ông, cả 4 đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn. Nhắc đến đây, đôi mắt ông đỏ hoe, cố kìm nén sự xúc động đang dâng trào. Trong trận chiến 81 ngày đêm đó, hàng nghìn đồng đội của ông đã ngã xuống, thân thể các anh hóa vào lòng đất mẹ.
Thắng lợi chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu ngoan cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết hiệp định Paris. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau trận chiến Thành Cổ, ông Lê Thế Phổ tiếp tục hành quân cùng Trung đoàn 95 tham gia chiến dịch giải phóng Ban Mê Thuột rồi tăng cường cho Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 tiến đánh Xuân Lộc và cao điểm 396. Ông bị thương thêm 02 lần nữa trong các trận chiến nhưng vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội khi được nhìn thấy đất nước thống nhất. Hòa bình lập lại, ông trở ra Bắc và tiếp tục công tác trong quân ngũ cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ.