Với lợi thế điều kiện tự nhiên một bên giáp
biển, một bên giáp núi, nhiều năm qua nông dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai
không chỉ phát triển mạnh nghề khai thác và chế biến hải sản mà còn nuôi ong lấy
mật. Đặc biệt là khi sản phẩm mật ong thiên nhiên nơi đây vừa được công nhận đạt
chuẩn OCOP 3 sao thì địa phương càng chú trọng mô hình này.
Xã
Quỳnh Lập có hơn 1.600 ha đất rừng và trồng cây ăn quả, là điều kiện thuận lợi
để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nghề này đã xuất hiện trên địa bàn xã Quỳnh
Lập từ mấy chục năm trước song
chủ yếu là tự phát. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu của người dân.
Những năm gần đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn
đầu tư ít, rủi ro thấp, chính quyền địa phương đã vận động người dân tham gia
nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như định hướng cho quá trình
phát triển; đồng thời, thành lập HTX Hoàng An, thôn Đồng Thanh nhằm hỗ trợ nhau
trong sản xuất, nâng cao chất lượng mật ong.
Những tổ ong được nuôi dưới tán cây rừng
Gia đình anh Nguyễn
Đình Hạnh, thôn Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập là một trong những hộ tiêu biểu đã
phát triển thành công mô
hình nuôi ong lấy mật. Có mặt tại khu vực vườn nhà anh Hạnh, dưới những gốc cây
ăn quả đều được đặt thùng gỗ nuôi ong. Tiếng ong kêu vo ve, từng đàn ong chao
lượn đi tìm hoa, hút mật, tạo cảm giác khu vườn rất thanh tĩnh. Từ chỗ chỉ nuôi
thử nghiệm 5 đàn ong dưới tán cây rừng tự nhiên, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của
chính quyền địa phương, nhất là tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn
nghề nuôi ong, anh Hạnh còn dành nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nuôi ong qua
ti vi, sách báo; lặn lội sang các địa phương khác học hỏi mô hình nuôi ong
thành công. Quá trình nuôi
ong, việc sinh trưởng, kỹ thuật tách đàn được anh đặc biệt chú ý, đến nay anh Hạnh đã có 100 đàn ong sinh
trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm cho thu nhập ước
đạt 500 đến 700 lít mật. Ong
nuôi dưới tán cây ăn quả, cây rừng tự nhiên, mật luôn có màu sắc đẹp, chất lượng
thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Giá bán ra
thị trường 350 nghìn/1lít, thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đình Hạnh có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ nghề nuôi ong lấy mật
Xác định mật ong là một trong những
sản phẩm trong phát triển kinh tế, người nuôi sẽ hỗ trợ nhau về con giống, khoa
học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi
và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng
tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, anh Hạnh đã tuyên
truyền, vận động bạn bè, người thân, bà con nhân dân trong vùng cùng phát triển
mô hình nuôi ong, nâng cao giá trị sản phẩm, cùng nhau xây dựng và quảng bá
thương hiệu sản phẩm mật ong.
Lãnh đạo thị xã thăm mô
hình nuôi ong của HTX Hoàng An
Từ hiệu quả của các
mô hình nuôi ong, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, năm 2022, xã Quỳnh Lập đã thành lập
HTX Hoàng An, hiện nay đã có 7 hộ tham gia liên
kết cung cấp sản phẩm cho HTX với tổng hơn 350 tổ ong. Ngoài việc khai thác lấy
mật ong, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong, thành viên HTX tự tạo được
ong chúa để nhân giống với
tỷ lệ đạt trên 80% . Các hộ nuôi được tập huấn kỹ thuật nuôi ong và quy trình thu
hoạch mật ong đảm bảo chất lượng mật và đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm. Là một hộ có hơn 50 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, ông Nguyễn
An Mạnh, thành viên HXT Hoàng An cho biết: “Nghề nuôi ong lấy mật không đòi hỏi
phải đầu tư vốn quá nhiều. Để phát triển đàn ong, người nuôi chỉ cần đầu tư mua
giống tốt lúc ban đầu, sau
đó có thể tự tách ong chúa
sang tổ khác để tăng đàn. Đồng thời có biện pháp xử lí một số bệnh thường gặp ở ong. Nhờ đặc tính cho mật ong quanh năm nên kể cả đối với
những đàn ong chỉ mới tách tổ được khoảng 20 ngày là đã có thể cho thu hoạch
mật”.

Một tổ ong sau khi tách đàn khoảng 20 ngày đã bắt đầu có mật
HTX không chỉ đầu tư chăm sóc để mật ong
đạt chất lượng tốt nhất mà còn cũng rất chú trọng
quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người
tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
Sản phẩm mật ong của HTX có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng đánh giá
là sản phẩm có chất lượng cao. Bên
cạnh đó, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, HTX đang triển khai mô hình “Tổ ong nhà
tôi”, theo đó các cá nhân sau khi mua tổ ong sẽ được gửi lại tại vườn của HTX,
định kì sẽ thuê người quay mật và thu hoạch. Trung bình mỗi tổ ong sẽ cho khoảng
12-13 lít mật/năm.
Sản phẩm mật ong của xã Quỳnh Lập đã được công nhận đạt chuẩn
OCOP 3 sao
Sản
phẩm mật ong của HTX vừa được công nhận đạt chuẩn 3
sao OCOP theo Quyết định số: 1350/QĐ-UBND ngày 20/12/2023
của UBND thị xã Hoàng Mai, về việc “phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản
phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thị xã Hoàng Mai năm
2023”, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, được
chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Có
thể khẳng định, việc duy trì nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại nguồn thu nhập
đáng kể cho các hộ gia đình. Từ đây góp phần giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu
sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn.
Ông
Nguyễn Anh Văn- Phó chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, cho biết: Nghề nuôi ong lấy
mật là một trong những mô hình phát triển kinh tế mà thị xã quan tâm, chỉ đạo.
Đây là nghề làm chơi mà ăn thật, nhưng đòi hỏi người nuôi ong phải có kiến thức
về nuôi ong và đam mê với nghề. Cái khó là việc tiêu thụ sản lượng mật ong chưa
tốt so với đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, thị xã đã và đang đồng hành, hỗ trợ các
hộ dân ở các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lập quan tâm, phát triển đàn ong.
Sản phẩm mật ong đã được công nhận ocop 3 sao, triển khai mô hình “tổ ong nhà
tôi” chính là sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, một cách làm tương tác mạng
xã hội để nhiều người tiêu dùng biết đến và có niềm tin đối với sản phẩm mật
ong Hoàng Mai; góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của chính người nông dân, thúc
đẩy nghề nuôi ong lấy mật phát triển theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng
cao.