Thị xã Hoàng Mai nằm ở phía Bắc địa đầu của xứ Nghệ, non nước hữu tình, có núi, có sông, có rừng và biển. Sông núi, biển cả ở đây cứ quấn quýt với nhau tạo nên một vẻ đẹp kỳ thú, làm say đắm lòng người, đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai. Là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm tỉnh Nghệ An, Hoàng Mai được UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù ưu tiên phát triển là một trong ba cực tăng trưởng của cả tỉnh. Năm 2022, Hoàng Mai là một trong những địa phương có tốc độ tăng giá trị sản xuất cao nhất, đồng thời nằm trong nhóm 3 đơn vị cấp huyện có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của tỉnh. Đây là thành quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục trong năm qua của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2022, năm 2023 thị xã tiếp tục tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Bãi tắm Quỳnh Phương thu hút lượng lớn khách du lịch
Nhắc đến Hoàng Mai, ấn tượng đầu tiên đó chính là tiềm năng du lịch biển, du lịch sinh thái của một đô thị trẻ nép mình bên dòng Mai Giang thơ mộng, có bãi tắm biển Quỳnh nối dài từ Quỳnh Liên sang Quỳnh Lập với bãi cát mịn màng, nước biển trong xanh. Trong đó nổi tiếng là Bãi tắm Quỳnh Phương với bãi đá trải dài kì thú, có tuyến đường ven biển uốn quanh nối dài xuống cảng trở thành địa điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách. Đặc biệt là những bể hải sản đa dạng, tươi ngon đầy ắp các hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách đến tắm biển và thưởng thức. Đến đây, du khách được hòa mình với thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ, cùng cuộc sống văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó trên địa bàn còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, lễ hội gắn với truyền thống lịch sử hình thành và phát triển của địa phương có sức hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó có Đền Cờn là một trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ- di tích lịch sử cấp Quốc gia, là địa điểm du lịch tâm linh được du khách thập phương tìm về. Ngoài những câu chuyện nhuốm màu liêu trai, đền Cờn cũng được biết đến với những lễ hội cổ xưa nhất của xứ Nghệ. Lễ hội đền Cờn mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Hoàng Mai đạt gần 40.000 khách, bằng 82,7% số lượng khách cả năm 2022.

Đua thuyền trên sông Mai giang- nét đẹp trong lễ hội Đền Cờn
Nằm ở vùng đất trọng trấn, phên dậu, cửa ngõ của huyết mạch vào Nam ra Bắc, lúc đánh giặc ngoại xâm, lúc phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, con người Hoàng Mai đã tạo dựng được đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, không ngại khó, không ngại khổ. Người nông dân đã biết vươn lên trong phát triển kinh tế , gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều mô hình có hiệu quả được nhân rộng. Bên cạnh đó, người dân cũng phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và xây dựng để tăng thêm thu nhập. Các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có lợi thế như sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến nông lâm thủy sản được chú trọng phát triển. Nhờ vậy, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng gồm điện, đường, trường, trạm và giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp, xây dựng khá đồng bộ đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh của nhân dân trên địa bàn.

Khai thác hải sản là một trong những thế mạnh của thị xã Hoàng Mai
Với định hướng phát triển Hoàng Mai là một trong 3 cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Nghệ An; xây dựng thị xã trở thành đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, phấn đấu được công nhận đô thị loại III trước năm 2025, trong thời gian qua thị xã đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt gần 14,15% (toàn tỉnh 8,47%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang trong giai đoạn hoàn thiện một cách đồng bộ. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12.353 tỷ đồng, tăng 14,34% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,39%. Các nhà máy, cơ sở sản xuất đã triển khai sớm các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, sản lượng thực hiện nhìn chung tăng so với cùng kỳ. Các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch sản xuất, thực hiện tốt lịch thời vụ, chuẩn bị đầy đủ điều kiện về giống cây trồng, vật nuôi, đảm bảo vệ sinh. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 172 tỉ đồng, bằng 49,95% dự toán tỉnh giao.

Các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển
Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc kết hợp với kiểm tra thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của thị xã và của tỉnh. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Thị ủy cho ý kiến kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2023, chỉ đạo Thành lập các Tổ công tác phụ trách các Dự án trọng điểm của tỉnh và thị xã do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ là Tổ trưởng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án: Đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò; Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua xã Quỳnh Vinh và xã Quỳnh Trang; KCN Hoàng Mai 1 bàn giao cho tập đoàn Chu Thống; Khởi công Dự án AFD... Việc đẩy nhanh tiến độ GPMB tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.
Sau 10 năm thành lập, thị xã Hoàng Mai hôm nay đang từng ngày thay đổi, với mảnh đất ấy, những con người ấy, bằng sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất nên đã thu được những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân nơi đây đang nỗ lực cố gắng để sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước nâng cao vị thế của Hoàng Mai trên bản đồ kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và đưa Hoàng Mai trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Phó chủ tịch Bùi Đình Long và các đồng chí lãnh đạo thị xã gắn biển công trình Sân vận động Thị xã